Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước tại phiên họp thứ 26 - Ảnh: VGP/ĐH
Thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính đạt tỉ lệ 67,4%
Báo cáo tại Phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh: Với phương châm "làm ít nhưng chất", hạn chế tối đa sự xuất hiện các đoàn kiểm toán trên một địa bàn, tránh chồng chéo, trùng lắp với cơ quan thanh tra, kiểm tra theo Nghị quyết 75/2022/QH15 của Quốc hội, kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2023 đã giảm 49 nhiệm vụ (tương ứng giảm 67 đoàn) so với năm 2022. Ngoài tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán của bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và kiểm toán hoạt động, chuyên đề theo Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước, KHKT đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn, chuyên đề có phạm vi rộng được Quốc hội, dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời kịp thời bổ sung một số nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ khẳng định, với quan điểm không ngừng nâng cao chất lượng, tránh chồng chéo và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành các văn bản chỉ đạo với nhiều giải pháp; nhiều hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán.
Đến 31/8/2023 toàn ngành đã xét duyệt 127 KHKT, triển khai 114/166 đoàn kiểm toán, kết thúc kiểm toán 93 cuộc, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức xét duyệt 94 dự thảo báo cáo kiểm toán, phát hành 61 báo cáo kiểm toán.
Kết quả kiểm toán cho thấy còn có đơn vị chưa chấp hành đầy đủ quy định trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; quản lý tài sản, đất đai; quản lý doanh thu, chi phí; đầu tư vào một số đơn vị không hiệu quả; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho từng năm tại các chương trình mục tiêu quốc gia được kiểm toán đều thực hiện chưa đạt; một số chính sách còn bất cập, chậm sửa đổi và chưa sát thực tế…
Sơ bộ kết quả kiểm toán đối với 61 báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật nhiều tập thể, cá nhân đối với từng sai phạm.
Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 265 báo cáo kiểm toán và tài liệu cho các cơ quan có liên quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; tổng hợp kết quả kiểm toán liên quan đến các nội dung giám sát để cung cấp cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo yêu cầu.
Sơ bộ đến 31/8/2023, số thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính đạt tỉ lệ 67,4% (cùng kỳ năm trước 56,3%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 19/270 văn bản quy phạm pháp luật thay thế các văn bản không phù hợp; có 33/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo với nhiều giải pháp - Ảnh: VGP/ĐH
Đẩy mạnh việc công khai kết quả kiểm toán
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho hay, các nhiệm vụ được xác định là: Tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 để chủ động triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 đảm bảo khoa học, chất lượng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả.
Thực hiện KHKT năm 2024 chất lượng, hiệu quả, trong đó tập trung ưu tiên kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách bộ, ngành, địa phương; chuyên đề phục vụ tốt yêu cầu giám sát của Quốc hội, UBTVQH, quản lý điều hành của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương; các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia và việc triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đẩy mạnh việc công khai kết quả kiểm toán, công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và HĐND, UBND các địa phương nhằm kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện kiến nghị kiểm toán, kịp thời xử lý tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả; thực hiện tốt công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ, công chức theo quy định; xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ đầy đủ Quy tắc ứng xử, Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn Kiểm toán Nhà nước, Chuẩn mực Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, có hành vi tiêu cực, sách nhiễu, gây khó khăn cho đơn vị được kiểm toán, bỏ sót, cố tình làm sai lệch hoặc giảm bớt kết quả kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Quốc hội có ý kiến với các cơ quan hữu quan chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra ở các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước để tránh sự trùng lắp, chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tránh gây khó khăn, giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của đơn vị được thanh tra, kiểm toán.
Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất nước; nâng cao trách nhiệm giải trình, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan, đề ra các giải pháp và phối hợp với Kiểm toán Nhà nước xử lý dứt điểm các kiến nghị, kết luận còn tồn đọng.
Nguyễn Hoàng