Năm 2018 là năm thứ 2 tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hoàn thành vượt kế hoạch dự kiến
(Ảnh: Dũng Thanh)
Dấu ấn đậm nét
Khép lại năm 2018, ngành LĐ-TB&XH đã đạt được những kết quả tích cực, hoàn thành toàn diện 3 chỉ tiêu của Quốc hội, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá mà Bộ đã đề ra. Một trong những điểm sáng nổi bật trong năm đến từ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Năm 2018 là năm thứ 2 ngành LĐ-TB&XH thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực GDNN, đồng thời cũng là năm thứ 2 Bộ coi đây là một trong những trọng tâm chỉ đạo, điều hành nhằm góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực của đất nước.
Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, Ban Cán sự Đảng bộ LĐ-TB&XH đã dành thời gian làm việc nhiều lần về công tác GDNN và ban hành Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030.
Với nhiều giải pháp được triển khai quyết liệt, nhìn lại năm 2018, có thể khẳng định, giáo dục nghề nghiệp đã thực sự bứt phá, đổi mới và phát triển đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Một trong những kết quả quan trọng nhất là tuyển sinh GDNN được 2,21 triệu người, là năm thứ 2 hoàn thành vượt kế hoạch dự kiến. Nhiều trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu và tổ chức khai giảng sớm; phổ điểm thí sinh vào cao đẳng cao hơn; số học sinh THCS vào học nghề tăng cao.
Đáng chú ý, năm 2018 cũng đánh dấu sự chuyển biến và cam kết mạnh mẽ trong việc gắn kết với doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp của Bộ LĐ-TB&XH. Lần đầu tiên Tổ công tác của Bộ LĐ-TB&XH được thành lập trong việc gắn kết GDNN với doanh nghiệp với sự tham gia của các cơ quan đào tạo, sử dụng lao động, hoạt động bước đầu có hiệu quả.
Theo thống kê, trong năm qua, hoạt động ký kết hợp tác với doanh nghiệp được diễn ra sôi nổi, Tổng cục GDNN đã ký gần 20 thỏa thuận hợp tác với VCCI, Hiệp Hội nghề nghiệp, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Mường Thanh, Vingroup, Samsung…
Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tham gia hoạt động GDNN từ khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, thực hành, thực tập, đánh giá kết quả và tuyển dụng.
Mặt khác, tại các cơ sở GDNN, ngay từ đầu năm 2018, nhiều cơ sở GDNN đã thực hiện ký kết các hợp tác, hợp đồng đào tạo theo đặt hàng, đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp. Ví dụ: Trường Cao đẳng nghề Dung Quất, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức ký kết các hợp đồng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp trên địa bàn của tỉnh với nhu cầu là trên 16.000 nhân lực cho giai đoạn 2018 - 2020; Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã ký hợp tác với trên 50 doanh nghiệp về đào tạo, cung ứng nhân lực; Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, Thành phố Hồ Chí Minh liên kết, hợp tác đào tạo với 157 doanh nghiệp đối tác, nhận đặt hàng đào tạo cho nhiều doanh nghiệp…
Theo Bộ LĐ-TB&XH, do gắn kết được với doanh nghiệp nên rất nhiều cơ sở GDNN đã cam kết hoàn trả kinh phí cho người học nếu không có việc làm; cam kết về mức lương, thu nhập tốt sau tốt nghiệp. Có thể kể đến một số trường đã cam kết việc làm như: Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt Hàn - Bắc Giang, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất...
Có thể khẳng định trong bối cảnh đào tạo đại học ngày càng mở đầu vào tuyển sinh, cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường lao động, việc làm thì kết quả đào tạo nghề trên đã phản ánh những nỗ lực hiệu quả của toàn ngành trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, xây dựng thương hiệu, tạo dựng niềm tin của xã hội, của doanh nghiệp, người dân vào hệ thống GDNN.
Tạo sự bứt phá thực sự về chất
Ghi nhận điểm sáng trong lĩnh vực GDNN của Bộ LĐ-TB&XH, phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ lao động - người có công và xã hội năm 2019 của ngành LĐ-TB&XH, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: “GDNN đã thể hiện tiến bộ vượt bậc khi giai đoạn 2013-2016 nhiều trường không tuyển sinh được và cả khối chỉ đạt khoảng 50-60% chỉ tiêu. Bắt đầu từ năm 2017 chỉ tiêu vào khối giáo dục nghề nghiệp đạt trên 100%”.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng lưu ý, điều quan trọng đầu tiên đối với ngành vẫn là vấn đề lao động với câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực, đây phải tiếp tục là điểm nhấn năm 2019 và những năm tiếp theo. “Chúng ta nói nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0, có nhiều việc phải làm nhưng đầu tiên phải có nguồn nhân lực tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng điểm ra một số việc trọng tâm như: trong quá trình biên soạn luật giáo dục sửa đổi cần thảo luận vấn đề rút ngắn thời gian đào tạo bậc cao đẳng, đại học như xu hướng quốc tế; tiêu chuẩn đầu vào cao đẳng có thể bắt đầu từ tốt nghiệp THCS thay vì tốt nghiệp THPT; hoàn thiện nghị định về tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục đưa dạy nghề nông thôn vào các trường để quản lý chất lượng chặt chẽ hơn... Các địa phương bảo đảm đủ khoản chi ngân sách cho đào tạo nghề nằm trong các chương trình mục tiêu, không được cắt giảm.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, năm 2019 là năm bứt phá để ngành LĐ-TB&XH hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm về lĩnh vực lao động - người có công và xã hội, do đó toàn ngành sẽ triển khai đồng bộ 14 nội dung nhiệm vụ đề ra trong năm 2019, trong đó lựa chọn 3 vấn đề đột phá.
Riêng với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục tập trung cao độ cho giáo dục nghề nghiệp, coi đây là khâu đặc biệt quan trọng, với cách làm mới, phấn đấu để đạt mục tiêu tổng quát là: Số người học, đặc biệt là cao đẳng, trung cấp nghề phải tăng lên; ra trường phải có việc làm, có thu nhập và ứng dụng, tập trung vào những ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang cần. Do đó, cung và cầu phải kết nối rất hợp lý, phải dự báo được ngành nghề thích hợp nào xã hội đang cần.
Năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đã đặt chỉ tiêu: Tuyển mới giáo dục nghề nghiệp khoảng 2.260 nghìn người. Trong đó: Trình độ trung cấp và cao đẳng là 560 nghìn người; Trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1.700 nghìn người (gồm: hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định 1956/QĐ-TTg 950 nghìn người; hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật khoảng 20 nghìn người).
Tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo khoảng 2.195 nghìn người - Cao đẳng và trung cấp khoảng 495 nghìn người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 1.700 nghìn người.
Ngành LĐ-TB&XH xác định sẽ thực hiện các giải pháp phát triển, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường tư vấn hướng nghiệp; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Triển khai thực hiện các chương trình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên./.
Minh Thư