Dự án Luật quản lý Thuế (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này có phạm vi sửa đổi rộng, bổ sung nhiều nội dung mới (dự kiến sửa đổi 108/120 điều và bổ sung 32 điều mới) được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian gần đây. Đại diện Tổng cục Thuế vừa có buổi trao đổi với báo chí, phân tích giải đáp thêm những nội dung dư luận quan tâm thời gian qua.
Theo đó, về tính đồng bộ pháp luật, Dự thảo Luật sửa đổi được xây dựng trên cơ sở kế thừa và tiếp thu các quy định Luật hiện hành, bổ sung và cập nhật các quy định mới đảm bảo đồng bộ với pháp luật liên quan. Tuy nhiên, qua ý kiến các đại biểu, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) lần này phù hợp với các luật khác liên quan.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách – Tổng cục Thuế cho rằng, đa số ý kiến nhất trí với quy định cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, về thanh tra, về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan. Có một số ý kiến đề nghị xem xét lại quy định của dự thảo Luật trong trường hợp có sự khác nhau giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan quản lý thuế.
Theo quy định hiện hành, cơ quan Kiểm toán nhà nước chỉ kiểm toán đối với các đơn vị có sử dụng vốn Ngân sách nhà nước. Hiện nay, được biết Kiểm toán nhà nước đang đề xuất mở rộng đối tượng kiểm toán theo hướng Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán tổ chức, đơn vị có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Vấn đề này sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến. Do đó, Luật quản lý thuế không quy định nội dung này.
Dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) chỉ quy định việc xử lý kết luận của thanh tra, kiểm toán nhà nước khi thanh tra, kiểm toán cơ quan quản lý thuế và có kết luận, kiến nghị về nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Hay nói cách khác là giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan quản lý thuế, người nộp thuế và các cơ quan có liên quan.
Theo đó, Ban soạn thảo hoàn toàn đồng tình ý kiến về trường hợp cơ quan thanh tra, kiểm toán thực hiện thanh tra, kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế, trong đó có hoạt động đối chiếu nghĩa vụ của người nộp thuế thì cơ quan quan quản lý thuế phải thực hiện theo kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán. Vấn đề đặt ra là việc thực hiện phải được xử lý bằng quyết định hành chính và nghĩa vụ thực hiện ở đây là người nộp thuế.
Vì trên thực tế khi kiểm toán, thanh tra tại cơ quan thuế, Cơ quan Thanh tra hoặc Kiểm toán nhà nước chỉ thực hiện đối chiếu nghĩa vụ của người nộp thuế thông qua các hồ sơ mà người nộp thuế nộp cho Cơ quan thuế theo cơ chế tự khai, tự nộp và việc kiểm toán tại trụ sở Cơ quan quản lý Thuế chỉ lập biên bản kiểm tra, đối chiếu số liệu với người nộp thuế tại cơ quan quản lý thuế thì tính hiệu lực pháp lý chưa cao.
Hiện nay, theo quy định của Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp tự khai, tự tính, tự nộp thuế, Cơ quan thuế thông qua phân tích cơ sở dữ liệu tiêu chí quản lý rủi ro để lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Hàng năm thực hiện thanh tra, kiểm tra 18-20% số lượng doanh nghiệp. Trong trường hợp ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, có kết luận và quyết định xử lý thì khi không thống nhất người nộp thuế có quyền khiếu nại và khởi kiện, cụ thể: Người nộp thuế có quyền khiếu nại 2 lần (lần 1 với cơ quan quản lý thuế ra quyết định xử lý thuế, lần 2 với cơ quan quản lý thuế cấp trên), trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì người nộp thuế có quyền khởi kiện cơ quan quản lý thuế ra Toà án.
Ông Lưu Đức Huy cho biết, Ban soạn thảo cho biết sẽ phối hợp với Uỷ ban Tài chính ngân sách và các cơ quan liên quan để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp sau theo hướng: Tạo thuận lợi cho cơ quan thanh tra, kiểm toán hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, không chồng chéo; bảo đảm đúng quy định đúng Hiến pháp, không mâu thuẫn với Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán; phù hợp với tổ chức bộ máy Nhà nước; bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người nộp thuế; có cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý thuế thực hiện đúng pháp luật thuế, pháp luật quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan.
Về thẩm quyền xóa nợ, ông Lưu Đức Huy cho biết, Luật quản lý thuế hiện hành chỉ quy định các trường hợp được xóa nợ thuế là người nộp thuế đã chết, mất tích; doanh nghiệp phá sản hoặc đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các khoản nợ này đã quá 10 năm. Đồng thời, quy định thẩm quyền xoá nợ đối với trường hợp người nộp thuế đã chết, mất tích, doanh nghiệp đã phá sản, hộ gia đình, cá nhân đã bị thu hồi giấy phép và khoản nợ đã quá 10 năm là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Trường hợp doanh nghiệp nợ thuế quá 10 năm và đã bị thu hồi giấy phép thì thẩm quyền xóa nợ là Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ tài chính và Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi lần này chỉ tập trung phân cấp thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và Cục trưởng Cục thuế địa phương để giảm bớt các trường hợp sự vụ lên Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị giao chính quyền địa phương xóa nợ thuế để đảm bảo khách quan và phân cấp tối đa cho chính quyền địa phương. Ban soạn thảo xin ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Quốc hội về việc phân cấp xử lý xoá nợ đối với doanh nghiệp.
Anh Minh