Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện nay 

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là cầu nối để chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân, đồng thời góp phần quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết như: Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: ''Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật; huy động lực lượng của các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt vận động thiết lập trật tự, kỷ cương và các hoạt động thường xuyên xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong cơ quan nhà nước và trong xã hội''. Nghị quyết số 08–NQ/TW, ngày 02/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới chỉ rõ cần: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức phong phú, sinh động, đặc biệt là thông qua các phiên toà xét xử lưu động và bằng những phán quyết công minh để tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân”. Hiến pháp năm 1992 giao Chính phủ nhiệm vụ: “Tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân”. Nhiều văn bản pháp luật của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến việc tăng cường công tác PBGDPL như: Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg, ngày 07/01/1998 về tăng cường công tác PBGDPL trong giai đoạn hiện nay; Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai công tác PBGDPL từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL. Đặc biệt, Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (Chỉ thị số 32-CT/TW) đã khẳng định: “Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của người dân. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Luật PBGDPL và các văn bản pháp lý có liên quan nhằm tổ chức các hoạt động PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trên cơ sở đó đã tổ chức 398.078 cuộc PBGDPL truyền thông, thu hút 5.148.138 lượt người tham gia, 618 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 188.205 người dự thi; tổng số tài liệu được phát hành miễn phí là 239.489 bản; 268.125 chương trình PBGDPL được phát sóng trên đài truyền thanh xã; 3.762 tin bài về pháp luật được đăng tải, phát trên phương tiện thông tin đại chúng; 153 chuyên mục Pháp luật và Đời sống liên quan đến các vấn đề mang tính thời sự từ thực tiễn cuộc sống, đặc biệt có 1.129 tài liệu PBGDPL được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh thường xuyên tham mưu kiện toàn thành viên Hội đồng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở địa phương nhằm tạo lực lượng nòng cốt bảo đảm cả về số lượng và chất lượng để thực hiện việc tuyên truyền, PBGDPL. Đến nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh có 36 thành viên (theo Quyết định số 2947/QĐ-UBND, ngày 11/10/2021 của UBND tỉnh); toàn tỉnh hiện nay có 202 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh (trong đó có 44 người có trình độ Đại học Luật, 140 người có trình độ Đại học khác và 18 người có trình độ Thạc sĩ); cấp huyện có tổng cộng 219 Báo cáo viên pháp luật (trong đó có 159 người có trình độ Đại học Luật, 53 người có trình độ Đại học khác và 7 người có trình độ Thạc sĩ). Đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở cấp xã trên toàn tỉnh là 1.025 người (trong đó có 548 người có trình độ Đại học Luật, 223 người có trình độ Đại học khác, 254 người có trình độ dưới Đại học). Công tác PBGDPL pháp luật được đổi mới hình thức, phương pháp, trong đó có một số hình thức có hiệu quả như: PBGDPL trực tiếp thông qua các hội nghị phổ biến, tuyên truyền, phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên sâu, hoạt động của tổ chức hòa giải ở cơ sở, hoạt động trợ giúp pháp lý.... Mặt khác, ngoài việc duy trì, phát triển các hình thức PBGDPL truyền thống, các cơ quan, tổ chức đã xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm mới, hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn và nhu cầu của Nhân dân, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông. Hiện nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thiết lập trang thông tin điện tử, trong đó đăng tải rộng rãi các thông tin pháp luật, chính sách, thủ tục hướng dẫn người dân. Việc đa dạng các hình thức tuyên truyền PBGDPL đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo bước chuyển rõ nét về nhận thức và hành động của Nhân dân trong quá trình thực thi các chính sách pháp luật của Nhànước, hạn chế được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao trình độ dân trí, am hiểu pháp luật của người dân trên địa bàn tỉnh.     

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc tuyên truyền, phổ biến chưa được thường xuyên và sâu rộng, hình thức còn nghèo; cơ sở, phương tiện tuyên truyền còn thiếu nên hiệu quả đem lại đối với công tác PBGDPL chưa cao. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể liên quan còn thiếu tính đồng bộ và chưa chặt chẽ, đôi khi còn chồng chéo...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung vào thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp trên; thường xuyên có kế hoạch, các văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức và Nhân dân. Cần tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật và Hòa giải viên ở cơ sở. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng, bổ sung nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ trong phổ biến, giáo dục pháp luật.

Hai là, tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, đa dạng hóa nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; kết hợp hài hòa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống với những hình thức mới đang được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phát huy hiệu quả đối với đồng bào các dân tộc thiểu số cần được tiếp tục triển khai sâu rộng, như phổ biến pháp luật thông qua hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý lưu động; tư vấn pháp luật.

Ba là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong các nhà trường để có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của thanh, thiếu niên.

Bốn là, bảo đảm kinh phí để triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và các chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng. Kinh phí được bố trí hằng năm phải đáp ứng được nhu cầu về cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ và việc triển khai các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho người dân. Hải Nam

 

1132 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 782
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 782
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77380135