Tối ngày 21/5/2019, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tới dự.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan các gian hàng trong khuôn khổ Hội nghị.

Hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua được các địa phương rất quan tâm và đã trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động. Đến nay, các đợt bán hàng đã thu hút được đông đảo người dân địa phương đến tham quan, mua sắm; bước đầu đã tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa. Trong 10 năm qua, các Sở Công Thương tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức được gần 4.000 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 100.000 lượt doanh nghiệp tham gia với hơn 78.000 gian hàng, thu hút hơn 5 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm và doanh thu mang lại là hơn 64,47 nghìn tỉ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, 10 năm qua, ngành Công Thương cùng với các thành viên khác trong Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trên thị trường nội địa. Trong 10 năm, Cuộc vận động đã đạt được những kết quả rõ rệt khi tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt. Cuộc vận động cũng đã khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế.

“Đến nay, chúng ta có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam. Theo báo cáo của các Sở Công Thương, tỷ lệ hàng Việt vẫn chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Gian hàng của hệ thống siêu thị Big C Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cuộc vận động còn phát huy được nguồn nội lực to lớn ở trong nước. Một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Theo đó, tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm khoảng 40-50%; áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất ô tô, chế biến sữa, sợi và dệt nhuộm nhằm tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm…

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, những chuyển biến trên đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao sự sáng tạo, tinh thần không ngại khó, nỗ lực hết mình của Bộ Công Thương nói riêng và toàn ngành Công Thương nói chung trong quá trình tổ chức, thực hiện Cuộc vận động. Thông qua các hoạt động: Thông tin tuyên truyền; Bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước..., người tiêu dùng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài đã ngày càng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; hàng Việt hiện đang duy trì tỷ lệ cao tại các các kênh phân phối.

Theo đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, nếu MTTQ Việt Nam và các đoàn thể có vai trò trong việc tuyên truyền người dân hưởng ứng Cuộc vận động, thay đổi hành vi tiêu dùng thì Bộ Công Thương có vai trò to lớn trong việc thay đổi nhận thức, hành động của cộng đồng doanh nghiệp, tạo niềm tin lớn cho người tiêu dùng đối với hàng Việt. “10  năm qua, những kết quả của Cuộc vận động đã khẳng định sự vươn lên của doanh nghiệp, thể hiện qua sự tin yêu của người tiêu dùng đối với hàng Việt” – đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh và bày tỏ hy vọng, trong thời gian tới, Cuộc vận động tiếp tục được triển khai với những giải pháp mới và ngày càng đi vào chiều sâu.

VinFast - thành viên Tập đoàn VinGroup cũng góp mặt tại triển lãm.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ biểu dương các đơn vị trong ngành Công Thương đã bám sát chủ trương của Cuộc vận động, Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Cuộc vận động hàng năm với nhiều nỗ lực, sáng tạo và đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Theo Phó Thủ tướng, những thành tích của ngành Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động trong 10 năm qua đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm tỉ lệ nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong nhiều năm gần đây là tín hiệu đáng mừng cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tự chủ; phát huy được nguồn nội lực to lớn ở trong nước. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chương trình tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của ngành Công Thương là dịp để nhìn nhận, đánh giá một chặng đường 10 năm đã qua; trên cơ sở đó, vạch ra phương hướng triển khai Cuộc vận động trong thời gian tới. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương và các đơn vị trong ngành, đã có nhiều cố gắng, sáng tạo, nay càng phải cố gắng sáng tạo hơn nữa, tìm ra nhiều hình thức, cách làm phù hợp với thực tiễn hơn nữa trong việc triển khai, thực hiện Cuộc vận động, nhằm khơi dậy mạnh mẽ bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam, nâng cao chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước và ngày càng thâm nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế./.

Tin, ảnh: Kim Dung