Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về tiếp công dân như: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC); Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KNTC; các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC.
Đặc biệt, từ khi Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, là hành lang pháp lý khá đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư KNTC thực hiện nhiệm vụ được giao một cách thống nhất. Sau các buổi tiếp công dân định kỳ và thường xuyên, công chức phụ trách tiếp công dân các đơn vị đã tham mưu, báo cáo thủ trưởng các cấp, ngành chỉ đạo kiểm tra, xác minh, xử lý kịp thời, giải quyết dứt điểm các vướng mắc của công dân. Qua thời gian triển khai, tình hình, tiếp công dân, giải quyết KNTC của công dân cơ bản được kiểm soát ổn định, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và an ninh chính trị, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mặt khác, việc xử lý đơn thư KNTC bảo đảm kịp thời, đúng thời gian, tránh được tình trạng “ngâm đơn”. Mặc dù thời gian qua số lượng công dân đến trụ sở Tiếp công dân và số lượng đơn thư KNTC tăng cao, nhưng tỷ lệ giải quyết đạt trên 85%, không có đơn thư tồn đọng kéo dài và không có đoàn khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương. Việc giải quyết KNTC bảo đảm đúng luật, đúng trình tự, thủ tục, “thấu tình, đạt lý”, bảo đảm thời gian, thời hiệu quy định. Hầu hết các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo khi công dân khiếu kiện ra tòa án đều được tòa án công nhận đúng. Trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết KNTC của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị được nâng lên. Năng lực, nghiệp vụ và kỹ năng vận động, thuyết phục, giải thích, hòa giải của đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết KNTC được đánh giá tốt.
Tuy nhiên, công tác tiếp dân, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, đó là: Công tác tiếp công dân đôi khi còn hình thức, chưa phát huy được hiệu quả, chưa thực sự lắng nghe, nắm bắt được nguyện vọng, mong muốn của nhân dân. Công tác tiếp dân ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, địa điểm, thời gian tiếp dân chưa phù hợp, duy trì nhiệm vụ sau tiếp dân chưa kịp thời và có hiệu quả thấp. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiếp dân, vẫn còn hạn chế ở một số phòng, ban, đơn vị, phường, xã. Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đối với công tác tiếp công dân, chưa đáp ứng hết nhu cầu gặp trực tiếp lãnh đạo để giải quyết những nguyện vọng chính đáng của công dân. Nhiều nơi chưa gắn công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ chế phối hợp giữa bộ phận tiếp công dân với bộ phận tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa rõ ràng nên nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo trong một số trường hợp chưa chính xác, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Trình độ năng lực của cán bộ tiếp công dân ở một số nơi chưa đáp ứng với yêu cầu công việc. Ý thức pháp luật, sự hiểu biết và tiếp nhận các chế độ chính sách pháp luật của nhà nước đối với một số công dân còn hạn chế, thông tin không đầy đủ và kịp thời. Bởi vậy, công dân và người tiếp công dân gặp không ít khó khăn trong khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình….
Vì vậy, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trước hết, cần tiếp tục quán triệt, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tiếp công dân, đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền nhất là việc nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác tiếp công dân; thực hiện nghiêm túc việc tổ chức đối thoại với công dân; nâng cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế việc ủy quyền tiếp công dân cho cấp dưới, bộ phận tham mưu.
Các cơ quan nhà nước phải củng cố và chấn chỉnh công tác tiếp công dân, thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân, bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đảm nhiệm công tác tiếp dân. Khi xảy ra khiếu kiện đông người thì các cơ quan nhà nước phải tăng cường sự phối hợp để tiếp dân và vận động công dân trở về địa phương, đồng thời, có biện pháp giải quyết kịp thời, dứt điểm, không để kéo dài, tái khiếu kiện..
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tăng cường tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan hành chính, nhất là người đứng đầu trong công tác tiếp dân và giải quyết KNTC. Coi công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC là một khâu quan trọng của công tác quản lý, một khâu nhằm biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành hiện thực, đi vào cuộc sống của nhân dân. Có như vậy mới quan tâm thực sự đến việc tổ chức, hoạt động đến công dân ở cơ quan đơn vị của mình.
Cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách Đảng, pháp luật của Nhà nước nhất là pháp luật về khiếu nại, tố cáo, đến từng người dân nhằm giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ công dân theo hình thức lồng ghép với các chương trình khác, phù hợp với từng thời điểm, từng đối tượng, có nhiều nội dung phong phú, thiết thực để thu hút được nhiều người nghe nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối thì phải tiến hành làm rõ, xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo sự đồng bộ, nâng cao tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật; chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân sách, chính sách xã hội; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để công dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân; đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng nhằm tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, hài hòa, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội và hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, giải quyết KNTC. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành về tiếp dân, giải quyết KNTC. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí phục vụ công tác tiếp dân, giải quyết KNTC.
Văn Toàn