Thực hiện Chỉ thị số 20–CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Chương trình hành động số 69-CTHĐ/TU, ngày 02/7/2013 “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”; UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai như Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 34/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em giai đoạn 2017 – 2020; Kế hoạch thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị...và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội về công tác GD,CS&BVTE có sự chuyển biến tích cực. Bộ máy quản lý nhà nước về GD,CS&BVTE từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, các đơn vị kinh tế, các địa phương...đã tích cực tham gia GD,CS&BVTE; mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả.
Thông qua các phong trào, các cuộc vận động đã góp phần giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em; đồng thời các cấp, các ngành, các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được chăm sóc, học tập, vui chơi giải trí, đảm bảo các quyền cơ bản và được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, nhất là luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để các em được sống, được hòa nhập và phát triển.
Công tác tuyên truyền được chú trọng, các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh đã mở nhiều chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng phát sóng hoặc thông qua hội nghị Báo cáo viên các cấp, hội thảo chuyên đề, giao ban...để giới thiệu, phổ biến những nội dung chủ yếu Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 69-CTHĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; các chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác trẻ em... nhằm giáo dục, vận động để cán bộ, đảng viên và toàn dân thấy được tính ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác GD,CS&BVTE.
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa GD,CS&BVTE em ngày càng phát triển rộng khắp góp phần thực hiện tốt chương trình hành động vì trẻ em trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, một số tổ chức quốc tế như : Zhishan, FPT, chương trình hội Bảo trợ trẻ em nhiễm chất dioxine tại Pháp… đã hỗ trợ xây dựng các công trình lớp học, nhà nội trú cho học sinh; trao học bổng dài hạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, trẻ em nhiễm dioxien, trẻ em mồ côi, khám sàng lọc và phẩu thuật miễn phí cho trẻ em bị các bệnh về mắt, tim, sứt môi, hở hàm ếch, chân tay khèo…với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Tỉnh cũng đã bố trí quỹ đất, đầu tư kinh phí từ nhiều nguồn ngân sách để xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em hoặc trong đó có đối tượng trẻ em hưởng lợi.
Đặc biệt, từ tháng 9 năm 2016 đến nay, đã phối hợp với Dự án Plan, UBND huyện Hướng Hóa, UBND huyện Đakrông triển khai Dự án Phòng chống kết hôn sớm, với các hoạt động như: Kiện toàn Ban điều hành dự án các cấp, tổ chức Hội thảo, Hội nghị để tuyên truyền về tác hại của tảo hôn, chia sẻ các kết quả và đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, chú trọng việc phối hợp xây dựng điểm quy ước phòng chống kết hôn trẻ em để nhân rộng ra trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác GD,CS&BVTE trên địa bản tỉnh Quảng Trị vần còn những hạn chế, khuyết điểm cụ thể: đó là, một số cấp ủy đảng và chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, chưa ưu tiên kinh phí hỗ trợ công tác GD,CS&BVTE nên việc tuyên truyền hoặc tổ chức thực hiện các vấn đề mà Luật Trẻ em đạt hiệu quả chưa cao. Hiện tượng trẻ em vi phạm pháp luật, người lớn vi phạm quyền trẻ em chưa được ngăn chặn có hiệu quả, nhất là vấn đề xâm hại trẻ em; sao nhãng, bỏ mặc trẻ em vẫn còn xảy ra thường xuyên ở một số địa phương; trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, trẻ em có hoàn cảnh éo le, bất hạnh, chịu thiệt thòi về tinh thần và thể chất vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền cơ bản và hoà nhập cộng đồng; vấn đề chăm lo đời sống, văn hoá, tinh thần của trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, nhiều nơi còn khoán trắng cho nhà trường, đoàn, đội. Tình trạng thiếu địa điểm vui chơi, đồ chơi và trò chơi lành mạnh khá phổ biến….
Trong thời gian tới để thực hiện tốt việc GD,CS&BVTE các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cấp, trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng và tính cấp bách của công tác GD,CS&BVTE; thể chế hóa các chính sách của Nhà nước vào tình hình cụ thể của địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa công tác GD,CS&BVTE. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước, củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác GD,CS&BVTE.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về tầm quan trọng của công tác GD,CS&BVTE; thực hiện triển khai phổ biến sâu rộng Luật Trẻ em 2016, các chương trình hành động vì trẻ em để nâng cao ý thức cộng đồng cùng chung tay vì công tác GD,CS&BVTE; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về GD,CS&BVTE, như tổ chức các chiến dịch truyền thông; xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên các báo, đài; nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm truyền thông mẫu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; nâng cao năng lực truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho lực lượng truyền thông đại chúng.
Mặt khác, các ban, ngành, địa phương cần quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác GD,CS&BVTE. Phân cấp rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện, bảo đảm điều kiện cho các hoạt động GD,CS&BVTE tại địa phương. Tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên làm công tác GD,CS&BVTE các cấp; từng bước chuyên nghiệp hóa mạng lưới tổ chức và đội ngũ cán bộ công tác xã hội làm việc với trẻ em; mở rộng mạng lưới cộng tác viên GD,CS&BVTE ở cấp thôn, bản. Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác GD,CS&BVTE.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tại các địa phương tham gia công tác GD,CS&BVTE. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện quyền trẻ em giữa các ngành, các cấp; đặc biệt là việc nghiên cứu, xây dựng và thành lập tổ chức phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em. Thúc đẩy thực hiện xã hội hóa công tác GD,CS&BVTE.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em nhằm tạo môi trường luật pháp đầy đủ, thân thiện với trẻ em và tạo môi trường xã hội phù hợp với trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách GD,CS&BVTE; xây dựng, hoàn thiện và vận hành có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về trẻ em; thực hiện đầy đủ công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, quan tâm công tác GD,CS&BVTE là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững. Cùng với sự quyết tâm và chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể và mỗi cá nhân trên địa bàn tỉnh, tin tưởng rằng trong thời gian tới trẻ em Quảng Trị sẽ có nhiều điều kiện để phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh và ngày càng tốt đẹp hơn. Hải Đăng