Tiếp tục kiểm soát chặt phế liệu nhập khẩu 

(Chinhphu.vn) - Nếu không tiếp tục kiểm soát chặt phế liệu nhập khẩu, nguy cơ hàng phế liệu tràn vào Việt Nam là có thể xảy ra.

 

Ảnh minh họa
Từ 1/1, Trung Quốc tiếp tục bổ sung thêm 8 chủng loại phế liệu vào danh sách cấm nhập khẩu (tăng từ 24 chủng loại năm 2018 lên 32 chủng loại). Malaysia, nước đứng đầu danh sách nhập khẩu phế liệu nhựa trên thế giới, từ năm 2019 cũng gần như cắt giảm hầu hết danh mục phế liệu được phép nhập khẩu vào quốc gia này.

Do chính sách cấm nhập khẩu của các thị trường xung quanh trước đây đứng đầu về danh sách nhập khẩu phế liệu nhiều nhất thế giới có sự thay đổi lớn vào đầu năm 2019, nên Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) dự đoán xu hướng trong năm 2019, phế liệu sẽ tiếp tục dịch chuyển mạnh vào Việt Nam làm gia tăng lượng phế liệu nhập khẩu; có khả năng xuất hiện thủ đoạn buôn lậu qua đường bộ.

Trước những diễn biến mới, để tiếp tục kiểm soát phế liệu nhập khẩu một cách hiệu quả, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận, không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; quản lý chặt chẽ đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu.

Tập trung triển khai có hiệu quả Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Trong đó, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định quy định quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc kiểm soát phế liệu nhập khẩu.

Tăng cường công tác quản lý phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam nhằm đảm bảo chỉ phế liệu đáp ứng các điều kiện quy định của pháp luật được nhập khẩu vào Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất.

Xây dựng quy chế phối hợp liên ngành về quản lý nhập khẩu phế liệu nhập khẩu giữa các Bộ: Tài chính, TN&MT, Công Thương, GTVT, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, KH&CN và UBND các tỉnh, thành phố.

Một giải pháp quan trọng khác được Tổng cục Hải quan đặt ra là phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan xử lý dứt điểm các container phế liệu tồn đọng tại cảng, kiên quyết yêu cầu buộc tái xuất các lô hàng là chất thải, phế liệu gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục trao đổi với Bộ TN&MT để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT.

Song song đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo các cục hải quan địa phương tăng cường công tác thu thập thông tin, áp dụng quản lý rủi ro để chủ động đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại như vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, khai gian về số lượng, sử dụng giấy tờ giả, khai sai tên hàng…

Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, năm 2017 Việt Nam là thị trường đứng thứ 4 thế giới về nhập khẩu phế liệu nhựa, sau Trung Quốc, Hong Kong và Malaysia.

Đến năm 2018, sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, thì lượng phế liệu nhựa nhập khẩu vào Trung Quốc và Hong Kong đã giảm trên 90% so với năm 2017. Việt Nam đã trở thành thị trường đứng thứ 2 trong danh sách nhập phế liệu nhựa nhiều nhất thế giới trong năm 2018, chỉ sau Malaysia.

(theo Báo Hải quan)

372 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1492
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1492
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87168155