Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại phiên họp thứ 31 của UBTVQH diễn ra vào chiều 21/2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật, nhưng có định hướng tập trung vào 11 nhóm vấn đề trọng tâm, trong đó có: quy định triết lý giáo dục, hướng nghiệp, phân luồng, chính sách cử tuyển; đầu tư cho giáo dục, trách nhiệm của nhà nước; nhà giáo; người học; chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; liên thông trong giáo dục; thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học; tự chủ của cơ sở giáo dục; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục;...
Kết quả lấy ý kiến Nhân dân cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp Nhân dân đối với dự thảo Luật, với trên 1 triệu lượt ý kiến góp ý. Đa số ý kiến cho rằng dự thảo Luật được xây dựng công phu, về cơ bản đã thể chế hóa được các quan điểm, đường lối của Đảng và cụ thể hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013. Dự thảo Luật cũng đã kế thừa các quy định còn phù hợp và khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009).
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, ý kiến phát biểu của các thành viên UBTVQH cơ bản bày tỏ sự thống nhất với những nội dung trong Báo cáo của Chính phủ; cho rằng những nội dung được lấy ý kiến là những nhóm vấn đề quan trọng, nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhân dân. Cách thức lấy ý kiến khoa học, đầy đủ, số lượng người lấy ý lớn, đại diện cho đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Các ý kiến góp ý của Nhân dân được tổng hợp trong báo cáo về cơ bản đã đề cập tới hầu hết các nội dung cần sửa đổi trong Luật Giáo dục. Đối với các nội dung sửa đổi lớn, các chính sách mới liên quan đến quyền của đa số các đối tượng chịu sự tác động, kết quả tổng hợp, tiếp thu cho thấy sự đồng thuận cao giữa ý kiến nhân dân với quan điểm trình của Chính phủ.
“Cá nhân tôi đánh giá rất cao Báo cáo của Chính phủ và rất vui trước sự đồng thuận cao của nhân dân trong nhiều vấn đề lấy ý kiến. Với dự án Luật được xây dựng công phu và bài bản, được lấy ý kiến sâu rộng của các tầng lớp nhân dân, tôi tin tưởng và kỳ vọng rất lớn vào tính khả thi cao của dự án luật”, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bày tỏ.
Cho rằng đây là dự án Luật quan trọng, có tác động tới mọi người, mọi nhà, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga mong muốn các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp hợp lý, phù hợp của nhân dân để đưa vào dự án luật, bảo đảm cho dự án Luật có tính khả thi cao nhất, dễ dàng đi vào cuộc sống khi được thông qua.
Cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự án luật có ý nghĩa thiết thực, qua đó cung cấp các thông tin quan trọng để Quốc hội cân nhắc và quyết định những vấn đề đối với dự án luật.
Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, qua báo cáo của Chính phủ, UBTVQH đã nghe kết quả lấy ý kiến của một số đối tượng để tham khảo thêm trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
UBTVQH hoan nghênh Chính phủ đã chủ động, làm việc khoa học, mở rộng đối tượng lấy ý kiến đối với dự án Luật và đã có báo cáo kết quả. UBTVQH cũng hoan nghênh các đối tượng được lấy ý kiến, các ý kiến thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm đối với với sự nghiệp giáo dục nước nhà và có nhiều ý kiến sát đáng.
Căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương và kế thừa luật hiện hành, chúng ta phải có lộ trình, có bước đi phù hợp trong đổi mới giáo dục-đào tạo và trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho biết sẽ tổ chức một Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để tiếp tục thảo luận, đóng góp đối với dự án Luật này trước khi trình ra Quốc hội.
Nguyễn Hoàng