Tiếp tục gỡ chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành 

(Chinhphu.vn) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành có liên quan để rà soát các mặt hàng còn chồng chéo trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

 

Ảnh minh họa

Xác định đơn vị đầu mối

Theo Tổng cục Hải quan, hoạt động rà soát các nhiệm vụ cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) sẽ được thực hiện cuối tháng 10 này. Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với các bộ, ngành để rà soát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 7957/VPCP-KSTT ngày 5/9/2019 gửi các bộ, ngành. Trong đó, tại công văn 7957/VPCP-KSTT, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, sửa đổi phân loại mã HS chi tiết đối với “Nồi hơi dùng trong giao thông vận tải và phương tiện thăm dò khai thác trên biển”, “Nồi hơi trong các xí nghiệp công nghiệp” theo áp suất làm việc của sản phẩm để đảm bảo thực hiện minh bạch, phân định rõ đầu mối chủ trì kiểm tra chuyên ngành theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, trong đợt rà soát lần này, các đơn vị sẽ tiến hành rà soát tiến độ, kết quả triển khai các nhiệm vụ cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành được giao tại Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 về việc phê duyệt kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020, để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định này. Cụ thể, rà soát kết quả cắt giảm danh mục hàng hóa XK, NK thuộc diện quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành của các bộ ngành đến 20/10/2019; rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK có hiệu lực đến ngày 20/10/2019; thống kê hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành cần sửa đổi, bổ sung; rà soát, thống kê Danh mục thuộc diện quản lý chuyên ngành của các bộ ngành phải ban hành kèm theo mã số HS; rà soát, thống kê hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở kiểm tra.

Tổng cục Hải quan sẽ cùng các bộ, ngành rà soát, áp mã số HS đối với Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với 6 danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương theo đề nghị của Bộ Công Thương; Danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ; Danh mục sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng theo đề nghị của Viện Vật liệu xây dựng- Bộ Xây dựng; Danh mục hàng hóa cấm XK, cấm NK thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Quốc phòng; Danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an.

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao

Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chủ động, vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, công tác kiểm tra đối với hàng hóa XNK đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, kết quả cải cách được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Thực tế, đã có nhiều bộ quản lý chuyên ngành cắt giảm hơn 50% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, một số quy định về thủ tục hành chính tại khâu thông quan được bãi bỏ. Có thể kể đến như Nghị định 55/2017/NĐ-CP không yêu cầu doanh nghiệp phải nộp xác nhận đáp ứng điều kiện xuất khẩu cá tra khi làm thủ tục xuất khẩu; các văn bản của Bộ Công Thương cắt giảm danh mục phải kiểm tra chuyên ngành, bãi bỏ việc kiểm tra formaldehyt và amin thơm trong sản phẩm dệt may, bãi bỏ giấy phép nhập khẩu tự động đối với mặt hàng thép; Thông tư số 14/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cắt giảm một số mặt hàng phải kiểm tra trước thông quan; Thông tư số 10/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng chuyển việc chứng nhận hợp quy hàng hóa là vật liệu xây dựng sang sau thông quan; Quyết định số 3842/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ cắt giảm hơn 90% mặt hàng phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan; Thông tư số 08/2019/TT-BCA của Bộ Công an ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa không phải thực hiện kiểm tra trước thông quan.

Ngoài ra, việc thay đổi phương thức kiểm tra cũng tác động đáng kể tới số lượng lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan. Chẳng hạn, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 đã đổi mới phương thức quản lý nhà nước dựa trên đánh giá mức độ rủi ro của hàng hóa; Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, quy định các phương thức kiểm tra phù hợp theo mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, bổ sung thêm nhiều đối tượng được miễn kiểm tra... Theo đó, cắt giảm 95% lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm. Hiện nay, các bộ, ngành đang tiếp tục tích cực thực hiện sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều tồn tại. Số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn (số tờ khai, lô hàng hóa nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành so với tổng số lô hàng nhập khẩu làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu chiếm 19,1%). Văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành nhiều, phạm vi quản lý và kiểm tra rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra; còn quy định chồng chéo một hàng hóa phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do cùng một bộ hoặc nhiều bộ quy định; việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn chậm.

Để tháo gỡ vướng mắc, theo Bộ Tài chính, các bộ cần khẩn trương hoàn thành thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ về cải cách công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành do Chính phủ giao tại các Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, Nghị quyết 02-2019/NQ-CP, Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Về phía Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) sẽ tiếp tục chủ động rà soát, đôn đốc, kiến nghị các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện các giải pháp cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành; tham mưu trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tổ chức thực hiện có hiệu quả khi Nghị định được ban hành; nghiên cứu, trình Chính phủ về việc áp dụng cơ chế Bảo lãnh thông quan.

NL
275 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1134
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1134
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87194999