Không để 'cắt' quy định này lại 'mọc lên' quy định khác
Thừa Ủy quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, phát biểu tại cuộc họp, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC nhấn mạnh về Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về "Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh giai đoạn 2020-2025" đã quy định về cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; phát triển công cụ kỹ thuật số hỗ trợ cải cách, đánh giá nỗ lực cải cách quy định của các bộ, ngành.
Đồng thời, Nghị quyết 68/NQ-CP cũng nhằm kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có đăng ký quy định kinh doanh, ngăn chặn việc phát sinh quy định không cần thiết, không hợp lý và gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Qua Nghị quyết 68/NQ-CP, mong muốn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là không chỉ cắt giảm những quy định đang là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn kỳ vọng nâng cao chất lượng thể chế, hạn chế tình trạng ban hành quá nhiều văn bản, không để "cắt" quy định này thì lại có quy định khác "mọc lên".
Theo ông Ngô Hải Phan, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, qua theo dõi, tổng hợp đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Chương trình, VPCP sẽ báo cáo Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, VPCP đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan đưa vào vận hành Cổng tham vấn và tra cứu quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (https://thamvanquydinh.gov.vn), đến nay, hệ thống đã có 957 tài khoản đăng ký tham gia của các bộ, ngành và doanh nghiệp.
Tính đến ngày 20/06/2023, tổng số quy định hiện hành đã được cập nhật trên Cổng tham vấn là 17.845 quy định; các bộ, cơ quan cũng cập nhật, công khai 148 quy định dự kiến ban hành trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tại 30 dự thảo văn bản QPPL và 51 dự thảo phương án cắt giảm, đơn giản hóa 83 QĐKD.
Trong 6 tháng đầu 2023, tổng số quy định kinh doanh cắt giảm, đơn giản hóa là 92 quy định tại 8 VBQPPL, nâng tổng số quy định đã được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay lên 2.234 quy định tại 179 VBQPPL.
Cũng trong 6 tháng đần năm 2023, mới có 2 bộ, cơ quan đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; một số bộ, cơ quan vẫn chưa trình Thủ tướng Chính Phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh.
Chưa bảo đảm tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa quy định theo yêu cầu của Chính phủ
Đánh giá của Cục Kiểm soát TTHC cho thấy, qua rà soát dữ liệu trên Cổng tham vấn cho thấy một số bộ, ngành cập nhật chưa đầy đủ, còn nhiều quy định cập nhật chưa chính xác, chậm công khai so với thời gian có hiệu lực của quy định; tỷ lệ QĐKD được rà soát còn thấp. Do việc tính toán chi phí tuân thủ chưa thực hiện nghiêm túc nên chưa bảo đảm xác định chính xác tỉ lệ cắt giảm, đơn giản hóa số quy định và chi phí tuân thủ quy định theo yêu cầu của Chính phủ.
Việc đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh của nhiều bộ, ngành còn chậm, chưa đáp ứng chỉ tiêu yêu cầu, việc thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Thậm chí đến nay đã 3 năm triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP nhưng vẫn còn một số bộ chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh theo yêu cầu.
Hiện còn nhiều phản ánh, kiến nghị, vướng mắc, đề xuất của hiệp hội doanh nghiệp về quy định kinh doanh chưa được xử lý kịp thời…
Cục Kiểm soát TTHC cũng nêu nguyên nhân do chủ quan là chủ yếu, cụ thể là còn thiếu sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát trong tổ chức thực hiện; thiếu sự chủ động trong công tác phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan, đơn vị; chưa đề cao tinh thần trách nhiệm, thiếu sự gắn kết, hỗ trợ, tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội, doanh nghiệp trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.
Trao đổi tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, trong 2 năm qua đã tập trung rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, từ năm 2021 đến năm 2022, Bộ đã cắt giảm 43 quy định; trong 6 tháng đầu năm, Bộ chú trọng thẩm quy định các quy định, cụ thể là 299 thủ tục để có phương án cắt giảm, đơn giản hóa tiếp theo.
Còn theo Bộ Thông tin và Truyền thông, về rà soát, thống kê văn bản, Bộ đã thực hiện xong, hiện Bộ đang thực hiện tính toán chi phí tuân thủ, cũng là nội dung Bộ đang gặp khó khăn; ngoài ra chưa thực hiện kho dữ liệu điện tử cá nhân… Đây là những nội dung Bộ đang tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm.
Cần tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa để phục vụ người dân, doanh nghiệp
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, tạo đột phá trong đổi mới thể chế, trọng tâm là đổi mới thế chế về quy định kinh doanh phục vụ người dân và doanh nghiệp, tại cuộc làm việc, Cục Kiểm soát TTHC nêu đề nghị các đơn vị chuyên môn thuộc các bộ, ngành tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị triển khai có hiệu quả Chương trình cắt giảm quy định kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Việc triển khai ở các bộ, ngành cần bảo đảm theo kế hoạch về thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hướng một văn bản sửa nhiều văn bản; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành.
Bên cạnh đó, cần tích cực tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp và đối tượng chịu sự tác động phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, những quy định đang tạo gánh nặng hành chính và khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xã hội quan tâm có nhiều ý kiến phản ánh và quy định dự kiến ban hành trong dự thảo VBQPPL trên Cổng tham vấn quy định kinh doanh; kịp thời xử lý, sửa đổi quy định để tháo gỡ vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Theo ông Ngô Hải Phan, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đáp ứng yêu cầu người dùng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Quy định về Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh để tạo hành lang pháp lý bảo đảm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP.
Gia Huy