Sáng 17/5, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).
Tham dự Lễ kỷ niệm có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng nghiên cứu cơ bản, cũng như nhiệm vụ tư vấn chính sách, cung cấp các luận cứ khoa học cho quá trình xây dựng, hoạch định các chủ trương, đường lối, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Trong nghiên cứu khoa học xã hội, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm luôn đứng trong hàng ngũ những người tiên phong về đổi mới tư duy, tích cực tổng kết kinh nghiệm thực tiễn để hoàn thiện và phát triển lý luận, thẳng thắn đưa ra các kiến nghị có giá trị đối với đất nước.
Nghiên cứu khoa học xã hội đã làm rõ hơn nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền và nâng cao sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế...
Đặc biệt, kể từ Đại hội lần thứ XII của Đảng đến nay, nghiên cứu của Viện Hàn lâm về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước, về dân số và phát triển, về lao động tiền lương, về công tác cán bộ… là nguồn tài liệu quan trọng cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, ban hành các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nhiều vấn đề quan trọng.
Trong nghiên cứu khoa học nhân văn, Viện Hàn lâm tiếp tục có những đóng góp để làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc, khẳng định độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, làm giàu các giá trị và bản sắc văn hóa trường tồn của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm đã và đang góp phần khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, xác định con người ở vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững đất nước. Việc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm) được các tổ chức quốc tế xếp hạng cao và là điểm đến hàng đầu thu hút khách trong nước và quốc tế hay các sự kiện khảo cổ phát hiện di tích thời đại đá cũ ở An Khê - Gia Lai và Dự án Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội do các nhà khoa học của Viện Hàn lâm thực hiện liên tiếp được lựa chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học tiêu biểu của Việt Nam năm 2016 và 2017 đã một lần nữa khẳng định, làm nổi bật vị trí, vai trò quan trọng của khoa học nhân văn trong nền khoa học và công nghệ nước nhà.
Trong bối cảnh quốc tế biến đổi nhanh chóng và khó đoán định, các nghiên cứu quốc tế đã góp phần đánh giá, dự báo tình hình quốc tế và khu vực để từ đó kiến nghị cho Đảng và Nhà nước có chính sách chủ động trong việc đưa đất nước hội nhập thành công với khu vực và thế giới. Nghiên cứu quốc tế của Viện Hàn lâm cũng đã làm rõ hơn kinh nghiệm của thế giới, đem lại những gợi ý hữu ích cho công cuộc xây dựng và thực thicác chính sách cải cách, phát triển của Việt Nam.
Kết quả của những nghiên cứu khoa học được đánh dấu bằng những công trình có giá trị chuyên môn cao. Đó là các bộ sách, các tổng tập và bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, chất lượng, số lượng và giá trị khoa học của các công bố đã tăng lên đáng kể. Viện Hàn lâm đã có 20 công trình, cụm công trình được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và 26 công trình, cụm công trình được nhận giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.
Nhiều thế hệ các nhà khoa học của Viện Hàn lâm bằng nhiệt huyết và trí tuệ của mình đã góp phần vun đắp tạo nền tảng vững chắc cho nền khoa học xã hội Việt Nam.
Tuy khó khăn còn nhiều nhưng các thế hệ nhà khoa học, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Viện Hàn lâm vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng Viện Hàn lâmKhoa học xã hội Việt Nam là cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội đầu ngành của cả nước, được Đảng và nhân dân tin cậy.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vẫn còn có những hạn chế cả trong nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, trong tư vấn và phản biện chính sách hay đào tạo nguồn nhân lực. Viện Hàn lâm vẫn chưa phát huy thật hiệu quả thế mạnh của mình, tiếng nói của giới khoa học xã hội vẫn còn khiêm tốn, xã hội vẫn chưa được biết và hiểu nhiều về các thành tựu của khoa học xã hội...
Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chúc mừng sự phát triển cũng như những thành tựu đạt được trên mọi lĩnh vực của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong suốt 65 năm qua.
Trong bối cảnh đất nước đứng trước cả những thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, để hoàn thành tốt hơn những nhiệm vụ của mình, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phát huy thế mạnh nghiên cứu cơ bản của Viện Hàn lâm, tiếp tục tập trung nghiên cứu và kiến giải những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của quá trình phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước. Bên cạnh đó, cần chủ động và kịp thời hơn trong nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư về xây dựng các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Các chuyên gia của Viện Hàn lâm cũng cần tích cực tham gia tham vấn các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội…
Đồng thời, Viện Hàn lâm cần tiếp tục nghiên cứu, luận giải, đánh giá, tổng kết các thành tựu và hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm của việc thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991 và những vấn đề cơ bản và chiến lược đã đặt ra nhưng còn chưa được giải quyết thấu đáo, nhất là về 8 mối quan hệ đã được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Nghiên cứu và luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn mới của đất nước đặt ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong giai đoạn phát triển mới.
Quán triệt và thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt Nghị quyết 19 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết 39 của Bộ chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với đó, Viện Hàn lâm cần chủ động đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động nghiên cứu khoa học để các kết quả nghiên cứu có thể lan toả rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ, từ đó giúp họ nhận thức rõ và trân trọng các giá trị lịch sử, văn hoá tốt đẹp của dân tộc, làm lan toả lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tiến tới xây dựng xã hội dân trí cao, xã hội tri thức. Mặt khác, việc làm này sẽ giúp xã hội nhận thức, đánh giá đúng hơn các đóng góp của các nhà khoa học xã hội vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ.
Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, chủ động xây dựng mạng lưới hợp tác trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, tích cực tham gia mạng lưới nghiên cứu quốc tế và khu vực; tăng cường công bố quốc tế các kết quả nghiên cứu khoa học; từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Viện Hàn lâm thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo về khoa học xã hội, khoa học nhân văn, khoa học quốc tế có uy tín trong khu vực.
Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Viện cần tiếp tục nghiên cứu nhằm đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý hoạt động khoa học, tạo môi trường, động lực cho các nhà khoa học cống hiến, sáng tạo. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát lại các khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức, cán bộ, đặc biệt là cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng, trọng dụng, bồi dưỡng, giữ nhân tài, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nhằm hoàn thiện, sửa đổi cho phù hợp và tạo lập môi trường tốt nhất để nhà khoa học toàn tâm, toàn ý đóng góp cho nền khoa học nước nhà.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, sự phát triển của đất nước trong bối cảnh mới đòi hỏi Viện Hàn lâm phải tiếp tục đổi mới toàn diện và cơ bản về hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hiện tốt chức năng tư vấn chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội.
“Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển cũng như những đóng góp quan trọng của Viện Hàn lâm cho công cuộc đổi mới toàn diện, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu./.
Nguyễn Hoàng