Cùng dự cuộc làm việc có lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo báo cáo do TS. Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng trình bày, nhân tố tạo động lực tăng trưởng thời gian qua là do công cuộc cải cách được tiến hành đồng bộ với những biện pháp quyết liệt, cụ thể, chỉ đạo đi liền với giám sát chặt chẽ đã cải thiện tích cực môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhiều chính sách cụ thể, thực chất coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, bước đầu đạt kết quả. Chính sách kinh tế vĩ mô được điều hành linh hoạt và được phối hợp chặt chẽ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những năm tới, động lực tăng trưởng hiện nay khó duy trì tính bền vững.
Tổ tư vấn dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018-2020 trên 3 kịch bản chính. Kịch bản 1, tăng trưởng GDP trung bình đạt 6,71%/năm, kịch bản 2 là 6,83%/năm và kịch bản 3 là 7,47%/năm.
Với 3 kịch bản được tính toán dựa trên mô hình kinh tế lượng dạng cấu trúc, Tổ tư vấn đề xuất mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm tới, từ 2018-2020, ở mức 6,85%.
Tổ tư vấn cho rằng, chính sách kinh tế năm 2018 và các năm tiếp theo cần tiếp tục ưu tiên mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đồng thời kiến nghị chưa tăng thuế đối với doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh:VPCP
Hoan nghênh các ý kiến quý báu, sát thực, Thủ tướng cho rằng, có nhiều ý kiến quan trọng đối với việc định hình một số khung chính sách mà Chính phủ sẽ xử lý thời gian tới. Trong đó, nhiều ý kiến về những nguy cơ của nền kinh tế cũng như nêu ra nhiều vấn đề như: Bộ máy hành chính “trên nóng dưới lạnh”, không đồng bộ; vấn đề nguồn nhân lực, năng suất lao động; kết hợp giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước…
“Thủ tướng lắng nghe tất cả ý kiến này và tiếp thu xác đáng các vấn đề các đồng chí đặt ra, sẽ nghiên cứu để chỉ đạo cụ thể, kể cả trước mắt và lâu dài”, người đứng đầu Chính phủ nói và giao Tổ trưởng Tổ tư vấn phối hợp với Văn phòng Chính phủ đề xuất một số đầu mục và nội hàm chính sách để Thủ tướng giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, hình thành chủ trương, biện pháp rõ hơn.
Nhấn mạnh sự lạc quan và khát vọng về sự phát triển, Thủ tướng cho rằng, chưa thể thỏa mãn trước kết quả bước đầu vừa qua trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động và tồn tại không ít bất cập của nền kinh tế trong nước. Theo Thủ tướng, đây là điều gây nhiều lo lắng, phải có biện pháp ứng phó, “chứ chỉ có khát vọng thì chưa đủ mà nếu chủ quan thì dễ vấp ngã”.
Nhất trí với các ý kiến cho rằng phải phát triển cao hơn nhưng phải bền vững, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục giải phóng sức sản xuất thông qua thể chế chính sách, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Năng lực sản xuất trong nước đã gia tăng, vấn đề đặt ra là cần tìm thị trường mới, tổ chức sản xuất trong nước. Phải chuyển hướng tăng trưởng theo hướng xanh, chất lượng.
Thủ tướng nhìn nhận, chính sách kích cung vẫn được đặt ra trong bối cảnh hiện nay, đồng thời với đó là đẩy mạnh giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh.
Đặt vấn đề tìm động lực mới cho tăng trưởng, Thủ tướng nhất trí cho rằng, động lực là tiếp tục đổi mới thể chế quản lý, cải thiện môi trường đầu tư, nâng đỡ doanh nghiệp thông qua giảm chi phí và thủ tục, phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế trong tất cả các lĩnh vực. “Chúng ta cố gắng tìm một số động lực cụ thể trong tiềm năng mà chúng ta đã nói trong báo cáo và các ý kiến phát biểu như du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp xuất khẩu”, Thủ tướng nói.
Nhân dịp này, trao đổi với thành viên Tổ tư vấn về đề xuất dự án Luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính đưa ra, Thủ tướng cho rằng, câu hỏi lớn cần đặt ra là làm sao sử dụng nhà đất tốt hơn, cần điều chỉnh đúng đối tượng như đối với người giàu, người có 2 nhà trở lên… và mức khởi điểm nào phù hợp với tình hình Việt Nam, thời điểm thực hiện Luật như thế nào cho phù hợp…
Thủ tướng khẳng định sẽ thường xuyên gặp gỡ các nhà khoa học, trí thức để lắng nghe, đặc biệt là Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng./.
Mạnh Hùng