Ngày 13/4, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Hội năm 2023.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; cùng các đại biểu chính thức là lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Hội nhà báo các địa phương, các Liên chi Hội nhà báo.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định: Bằng nhiều hình thức và hoạt động thiết thực, Hội và các cấp Hội thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao trong việc phát huy tốt vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nhà báo trong hành nghề và giáo dục nhà báo tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy định và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.
|
Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: vov.vn) |
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam năm 2022; việc thực hiện Luật Báo chí và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; hướng dẫn sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương; 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; Bộ tiêu chí văn hóa của cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam. Yêu cầu đổi mới công tác báo chí, cũng như chia sẻ các kinh nghiệm, bài học rút ra, đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động báo chí; xây dựng chương trình hành động hướng đến kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam...
Trong năm 2022, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng tập trung về cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát và quyết liệt. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương và ý thức chấp hành chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp hội và hội viên. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở để chủ động phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hoạt động.
|
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: vov.vn) |
Tính đến hết tháng 3 năm 2023, toàn Hội có 23.700 hội viên đang sinh hoạt tại 301 đơn vị các cấp Hội. Trong năm 2022, Hội đã kết nạp 1.816 hội viên, công nhận bổ sung, kiện toàn 18 đơn vị cấp Hội, thành lập 13 Chi hội Nhà báo trực thuộc Hội.
Công tác nghiệp vụ được các cấp Hội chú trọng thực hiện đề án hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao. Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực và chủ động từ các cấp hội cả nước với 1.761 tác phẩm thuộc 11 loại giải tác phẩm báo chí tiêu biểu thuộc tất cả các loại hình báo chí tham dự giải. Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã chủ động tổ chức được 126 lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí…
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng, chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Đây cũng là con đường tất yếu của tất cả các cơ quan báo chí nếu không muốn bị “đào thải”, cần phải chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số, hợp tác với các cơ quan truyền thông khác để tạo chỗ đứng, vị thế trong làng báo chí công nghệ.
Trước bối cảnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam chọn chủ đề hoạt động của năm 2023 là: “Tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”; thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam. Với 15 nhiệm vụ trọng tâm, các cấp hội sẽ tham gia tích cực trong việc hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số, nhất là trong công tác đào tạo bồi dưỡng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những đóng góp to lớn của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam từ Trung ương đến địa phương trong việc tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, thời gian qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã phản ánh khách quan, sinh động mọi mặt đời sống xã hội, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Báo chí làm tốt vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - thông tin - truyền thông, đi đầu trong việc lan tỏa thông tin chính thống, hình ảnh của Việt Nam “an toàn, ổn định, hòa bình, hữu nghị, phát triển”. Phương thức hoạt động của Hội có nhiều đổi mới, bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, bám sát xu thế toàn cầu tuyên truyền về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Các nhà báo đã chủ động thâm nhập thực tế, đưa tin sự kiện, có nhiều bài báo mang tính phát hiện, lan tỏa các gương điển hình, cảnh báo những nguy cơ hiện hữu, kiến nghị Đảng, Nhà nước nhiều giải pháp thiết thực. Các tác phẩm báo chí có nhiều cách tiếp cận sáng tạo, đa đạng, tích cực phản ánh xây dựng, chỉnh đốn đảng, tạo sức mạnh dư luận, hỗ trợ nhiều cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật đất đai là minh chứng rất rõ tính hiệu quả của các cơ quan truyền thông về xây dựng chính sách, tạo sự đồng thuận của xã hội.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ khát vọng xây dựng Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, cổ vũ động viên tinh thần đổi mới, tiếp thêm năng lượng tích cực để cả hệ thống chính trị cùng toàn dân vượt qua thách thức, khó khăn. Các cấp Hội cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn, phản ánh sâu sắc, toàn diện cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng, nêu cao tính chiến đấu, giá trị nhân văn sâu sắc chạm đến cảm xúc của công chúng. Các cơ quan báo chí tiếp tục xây dựng đội ngũ báo chí chuyên nghiệp, có thể coi là những chuyên gia về kinh tế, ngoại giao, nghệ thuật, công nghệ...
|
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam. (Ảnh: Báo Khánh Hòa) |
Chính phủ có trách nhiệm đầu tư tương xứng về nguồn lực, con người, công nghệ để các cơ quan báo chí phát triển chính quy, bài bản, hiện đại. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành cần gắn bó hơn với các cơ quan báo chí, chủ động cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp đúng chuyên môn, nghiệp vụ.
“Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số, phân phối nội dung, nghiên cứu cập nhật các xu hướng phát triển, thị hiếu của từng nhóm đối tượng. Dựa vào đọc giả để lan tỏa thông tin rộng rãi. Có như vậy, báo chí chính thống mới tập hợp được lực lượng thống nhất, có sức mạnh, đóng vai trò là dòng chảy chính trên xa lộ tin tức không ngừng nghỉ, cập nhật từng phút, từng giờ. Từ đó, đa dạng hóa thị trường, kinh tế báo chí, đa dạng hóa nguồn thu, nâng cao mức sống cho người lao động trong hoạt động báo chí ”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 12/4, các cuộc họp của Đảng đoàn, Ban Thường vụ và Hội nghị Ban Chấp hành đã thảo luận, thống nhất nhiều nội dung quan trọng; công bố và trao quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chỉ định đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời tiến hành quy trình giới thiệu và bầu bổ sung năm đồng chí tham gia Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2020-2025, gồm các đồng chí: Trần Thanh Lâm, Ủy viên Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Ủy viên Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; Vũ Thị Hà, Trưởng Ban Công tác Hội; Lê Trần Nguyên Huy, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Nhà báo và Công luận; bầu 3 đồng chí tham gia Ban Thường vụ, gồm các đồng chí: Trần Thanh Lâm; Nguyễn Thanh Lâm; Đỗ Thị Thu Hằng.
Như vậy đến thời điểm này, Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2020-2025 có 57 ủy viên, Ban Thường vụ có 15 ủy viên và Đảng đoàn có 8 ủy viên./.