Tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức hoạt động của HĐND cấp tỉnh 

(ĐCSVN)- Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết và triển khai công tác năm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhằm tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, đồng thời hướng dẫn đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Sáng 21/02, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và hơn 200 đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội… của 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc cùng tham dự.

Sáng tạo, đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động

Báo cáo tổng kết tình hình hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố  năm 2021 của Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết: Nhiệm kỳ 2016-2021 là nhiệm kỳ đầu tiên HĐND các cấp thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật liên quan theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII của Đảng.

Năm 2021, HĐND đã phối hợp triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù như các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

HĐND cấp tỉnh đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động như: Coi trọng khâu chuẩn bị các nội dung theo chương trình kỳ họp, nhất là các báo cáo thẩm tra; tổ chức kỳ họp trực tuyến kết hợp với họp trực tiếp; đề cao vai trò của Thường trực HĐND trong công tác điều hòa, phối hợp, điều hành kỳ họp, vai trò thẩm định, thẩm tra, kiến nghị của các ban; áp dụng công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận tài liệu kỳ họp, tài liệu được gửi đến đại biểu HĐND sớm có thời gian nghiên cứu đã góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí;... 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng chủ trì Hội nghị. Ảnh: TL. 

Vì vậy, năm 2021 mặc dù dịch bệnh COVID - 19 có những diễn biến phức tạp, nhưng HĐND với sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo kế hoạch công tác. HĐND cấp tỉnh đã chủ động tham mưu với cấp ủy trong công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu HĐND khóa mới theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi năm 2019) theo hướng tăng cường số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, giảm số lượng đại biểu hoạt động kiêm nhiệm của cơ quan hành chính, nâng cao chất lượng, đủ số lượng, đúng tỷ lệ, đúng cơ cấu các thành phần dự kiến.

Hoạt động của HĐND đã đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều mặt, trong đó có sự phối hợp tốt với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội; điều hòa hoạt động các ban của HĐND và tổ đại biểu HĐND theo kế hoạch đã đề ra; duy trì tốt các phiên họp của Thường trực HĐND. Việc tổ chức nhiều kỳ họp chuyên đề trong năm đã góp phần chủ động trong việc quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương và kịp thời kiện toàn công tác tổ chức của HĐND đảm bảo hoạt động được liên tục.

Hoạt động giám sát chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố. Phương thức giám sát theo hướng gọn về thành phần, tăng cường hoạt động khảo sát trước khi tổ chức giám sát; hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân được thực hiện nghiêm túc; công tác theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân thực hiện thường xuyên, có hiệu quả…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo báo cáo từ các địa phương, hoạt động của HĐND cấp tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND ở một số địa phương hiệu quả chưa cao, thực sự chưa khoa học. Các cơ quan được giao soạn thảo, chuẩn bị nghị quyết chưa chủ động tổ chức thực hiện ngay từ đầu, nên nội dung chuẩn bị chưa kịp thời hoặc không đủ cơ sở để thẩm tra, phải chuyển sang kỳ họp sau. Hiệu quả công tác giám sát chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề, hoạt động tái giám sát còn ít. Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng chưa sâu.Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có nơi còn chậm, chủ yếu là chuyển đơn. ..

Đề cao tính chủ động, tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức hoạt động

Phát huy những kết quả hoạt động đã đạt được trong năm 2021, bước sang năm 2022, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho hay: HĐND các cấp tiếp tục tổ chức và hoạt động theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi bổ sung và là nhiệm kỳ thứ hai thực hiện các luật liên quan tới tổ chức và hoạt động của HĐND.

                                            Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TL.

Để khắc phục những bất cập trong quá trình hoạt động của HĐND các cấp trong thời gian qua và nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2022, HĐND các cấp tiếp tục đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết đảng bộ tỉnh, thành phố và pháp luật của nhà nước, HĐND triển khai có hiệu quả việc “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026” để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Bên cạnh đó, HĐND các cấp chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động 5 năm, hằng năm, nhất là định hướng chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND trong nhiệm kỳ, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng nghị quyết và giám sát hằng năm; đề xuất với cấp ủy các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần quyết định vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh trong nhiệm kỳ và nhiều năm tiếp theo, khẳng định rõ nét hơn vị trí, vai trò của HĐND trong thực tiễn.

Trên cơ sở hai mục tiêu tổng quát, ba phương hướng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND được xác định, bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, góp phần hoàn thiện thể chế cho sự phát triển của địa phương; Đổi mới về chương trình xây dựng Nghị quyết; Đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động.

Tại hội nghị, các tham luận tập trung đánh giá những thuận lợi, ưu điểm, kết quả nổi bật, những kinh nghiệm quý  và những hạn chế, khó khăn trong hoạt động quá trình tổ chức hoạt động công tác HĐND năm 2021. Trên cơ sở đó  đề xuất nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy hiệu quả, hiệu lực hoạt động của HĐND, đồng thời góp phần tăng cường sự chỉ đạo, trách nhiệm hướng dẫn, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như sự gắn kết giữa các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND các cấp, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hệ thống cơ quan dân cử, đáp ứng ngày càng cao sự kỳ vọng, tin tưởng, gửi gắm ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài đối với Quốc hội, của cử tri và nhân dân ở các địa phương đối với HĐND./.

 

Nhóm PV
132 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 774
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 774
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87052548