Tiếp tục đổi mới, phát triển giáo dục mầm non 

Trong những năm qua, giáo dục mầm non đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non phát triển rộng khắp, đến tất cả các xã, phường, thôn bản trên cả nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ tới trường. Việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đã tạo cơ chế, động lực thúc đẩy giáo dục mầm non phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Các chính sách của Chính phủ như: hỗ trợ tổ chức nấu ăn, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo vùng khó khăn, hỗ trợ giáo viên dạy lớp ghép và tăng cường tiếng Việt, hỗ trợ trẻ mầm non là con em công nhân... đã góp phần không nhỏ để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Đối với tỉnh ta, từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại một số cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 84-KH/TU, ngày 27/4/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII. Các huyện, thị xã, thành phố đã rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới trường, lớp phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, đặc biệt ở vùng bản, vùng khó khăn; đồng thời, huy động các nguồn lực theo hình thức xã hội hóa để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục. Chính vì vậy, quy mô, mạng lưới trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh được tổ chức, sắp xếp hợp lý; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ngày càng đáp ứng nhu cầu dạy và học[1]; giáo dục mầm non tư thục và dân lập ngày càng phát triển. Đến năm 2020, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành học mầm non cơ bản đảm bảo cả về số lượng và chất lượng[2]. Tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi đến lớp đạt 94,5% (so với năm học 2010- 2011 tăng 7,78%), tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp đạt  99,95%. Tỷ lệ trẻ mầm non 5 tuổi được học 2 buổi/ngày và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi đạt 100%. Từ năm 2013, tỉnh Quảng Trị được Bộ GD&ĐT công nhận phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi[3] và duy trì vững chắc cho đến nay.

Tuy nhiên, nhận thức của xã hội về giáo dục mầm non và tầm quan trọng của giai đoạn phát triển đầu đời còn nhiều hạn chế. Giáo dục mầm non còn gặp nhiều khó khăn như tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị dạy học còn chậm được khắc phục; năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên mầm non còn hạn chế đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, và vùng đồng bào dân tộc; các chính sách hỗ trợ cho trẻ em chậm đổi mới và trên cơ sở bảo đảm quyền trẻ em; chương trình giáo dục mầm non chưa được đổi mới theo yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển giáo dục mầm non, cần có một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, đó là:

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non để tiếp tục hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo và phục vụ cho sự phát triển đất nước ta trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện đổi mới giáo dục mầm non phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển thời đại, phù hợp với thực tiễn, hoàn cảnh của đất nước. Đổi mới giáo dục mầm non phải được đặt trên nền đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận tổng thể, bao trùm, có tính toàn diện, toàn dân, phù hợp với yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phù hợp với vai trò, vị trí của giáo dục mầm non, để đào tạo và phát triển toàn diện con người trong tương lai.

Rà soát, có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, chính sách, cách huy động và phân bổ nguồn lực để tạo nên bước đột phá cho sự phát triển giáo dục mầm non thời gian tới, nhất là các chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng và vấn đề xã hội hoá. Có cơ chế, chính sách huy động nguồn nhân lực cho giáo dục mầm non (chính sách về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non; chính sách thu hút giáo viên mầm non...), đặc biệt quan tâm các chính sách phát triển các cơ sở giáo dục mầm non theo phương thức đối tác công tư.

Các  địa phương cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn; tiếp tục thực thi đầy đủ và có hiệu quả cơ chế, chính sách và các nhiệm vụ theo các quy định của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách khuyến khích của Đảng và Nhà nước để thu hút nguồn lực, đầu tư phát triển giáo dục mầm non tại địa phương; rà soát, nghiên cứu và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn đối với giáo dục mầm non tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non theo quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ em và chất lượng giáo dục mầm non.

Quan tâm bố trí ngân sách đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn đầu tư công và các nguồn lực khác để xây dựng bổ sung, sửa chữa, cải tạo thay thế phòng học tạm, bán kiên cố bảo đảm an toàn cho trẻ, giáo viên, đặc biệt những khu vực thường xuyên có thiên tai, bão lũ; ưu tiên bố trí kinh phí cho phát triển giáo dục mầm non, đáp ứng yêu cầu huy động trẻ em tới trường và thực hiện mục tiêu phổ cập; sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để đổi mới, phát triển giáo dục mầm non. Trí Ánh

 

1] Toàn tỉnh hiện có 170 trường học, 1659 phòng trong đó phòng cho lớp 5 tuổi là 549; tỷ lệ 1,02 phòng học/lớp.

[2] Toàn tỉnh có 4.474 giáo viên; hầu hết giáo viên đều đạt chuẩn; tỷ lệ trên chuẩn khá cao. Riêng giáo viên mầm non dạy trẻ 5 tuổi toàn ngành có 994 giáo viên, trong đó đạt trình độ chuẩn 100 %; trên chuẩn 880/994 (88,5%).

[3] Trước 2 năm so yêu cầu của Bộ Chính trị đề ra tại Chỉ thị.

92 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1120
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1120
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87115353