Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng; Đại tá Nguyễn Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đồng chủ trì buổi họp báo.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Cục Kinh tế đã thông báo về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp quân đội từ năm 2001 đến nay theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khoá IX, Trung ương 4, Trung ương 5 khoá XII. Trong đó, tập trung nêu rõ kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp quân đội từ năm 2016 đến nay, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo thế trận quốc phòng vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, chiến lược của Tổ quốc.
Theo Thiếu tướng Võ Hồng Thắng, từ năm 2001 đến nay, bằng nhiều hình thức sắp xếp, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lại các doanh nghiệp quân đội phù hợp với yêu cầu đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước theo nghị quyết của Đảng qua từng thời kỳ, phục vụ tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả là, từ trên 300 doanh nghiệp từ trước năm 2000, đến nay chỉ còn 88 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng và 21 công ty cổ phần có vốn nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý.
Các doanh nghiệp sau sắp xếp, đổi mới nhìn chung ổn định, sản xuất, kinh doanh đạt nhiều kết quả tích cực, thích ứng được với thị trường trong nước và từng bước hội nhập quốc tế. Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế trong nước, khu vực và thế giới, nhiều doanh nghiệp quân đội vẫn có tốc độ tăng trưởng khá, giữ vững thương hiệu trên các lĩnh vực mà quân đội có tiềm năng như viễn thông, bay dịch vụ, dịch vụ cảng biển, xây dựng, đóng tàu,… Theo số liệu của Cục Kinh tế, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2016, doanh thu đạt 345,124 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt 43,504 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách 40,237 nghìn tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 11,832 triệu đồng/người/tháng; giải quyết việc làm cho 181,367 nghìn người. Kết quả sản xuất, kinh doanh 6 tháng năm 2017 tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, với doanh thu ước tính đạt 189 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 22 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách 21 nghìn tỷ đồng…
Tuy công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp quân đội đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng còn bộc lộ nhiều hạn chế, như: số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vẫn còn nhiều, có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, cơ cấu doanh nghiệp chưa hợp lý. Công tác sắp xếp chưa gắn liền với công tác tổ chức lực lượng. Một số doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn chiến lược chưa cân đối được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Một số doanh nghiệp còn tồn đọng về tài chính, đặc biệt một số doanh nghiệp hoạt động lưỡng dụng, xây dựng, thương mại, dịch vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về tài chính.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Cục Kinh tế cũng chỉ ra những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thắng lợi Đề án, đó là: đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, định hướng tư tưởng để cán bộ, đảng viên và người lao động, nhất là các doanh nghiệp thuộc diện cơ cấu lại, sáp nhập, cổ phần hoá, thoái vốn và giải thể nhận thức đầy đủ, thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và Quân uỷ Trung ương. Chủ động củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức Đảng và chất lượng đảng viên; thực hiện đúng chức năng, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Đảng trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối theo quy định. Thực hiện cổ phần hoá đồng bộ các doanh nghiệp, cả công ty mẹ và công ty con bảo đảm tập trung vốn và vai trò quản trị, điều hành cho công ty mẹ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau sắp xếp, đổi mới và cổ phần hoá. Xây dựng cơ chế lãnh đạo, hoạt động giữa các cấp uỷ Đảng, hội đồng thành viên, hội đồng quản trị bảo đảm doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và phát triển. Bảo đảm nguồn kinh phí cho việc xử lý tài chính trong quá trình sắp xếp, cổ phần hoá, giải thể, sáp nhập doanh nghiệp. Chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài quân đội để sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ quốc phòng, tìm kiếm, mở rộng thị trường…/.
Đặng Hiếu