Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu tại Đại hội (Ảnh: K.T) 

Ngày 17/12/2019, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ IX nhiệm kỳ 2019-2024. Tham dự Đại hội có các đồng chí: Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận văn học, nghệ thuật Trung ương và đông đảo hội viên Hội Mỹ thuật trong cả nước.

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VIII (2014-2019) và phương hướng nhiệm kỳ (2019-2024) của Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: Nhiệm kỳ VIII, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quan tâm của Nhà nước, Hội đã có nhiều hoạt động trên mặt trận tư tưởng văn hóa, với chức năng nhiệm vụ là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đã tập hợp các nghệ sĩ tạo hình trong cả nước để xây dựng nền mỹ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Các hoạt động trọng tâm của Hội đều hướng đến công tác tư tưởng, chuyên môn, nâng cao chất lượng sáng tác, tổ chức các hoạt động nghề nghiệp phát triển sự nghiệp mỹ thuật cả nước và công tác Hội viên. Hiện Hội có 1.945 hội viên sinh hoạt tại 74 Chi hội ở 62/63 tỉnh, thành. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội cũng đã kết nạp được 283 hội viên mới, đồng thời xóa tên 27 hội viên, kỷ luật cảnh cáo 03 hội viên, khai trừ 01 hội viên do vi phạm bản quyền tác giả và 01 hội viên xin ra khỏi Hội do đã định cư ở nước ngoài.

Nhờ làm tốt công tác tư tưởng, định hướng sáng tác cho các hội viên, nhiệm kỳ vừa qua các tác phẩm của các họa sĩ đều hướng đến các giá trị nhân văn, hướng thiện; thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới và Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong 5 năm qua, Hội cũng đã tổ chức được 76 đoàn đi thực tế với 820 hội viên tham gia, trong đó có 70 đoàn với 600 hội viên đi thực tế dài ngày và 06 đoàn với 220 hội viên đi thực tế ngắn ngày tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Ngoài ra, trong nhiệm kỳ qua, Hội cũng tổ chức được 101 trại sáng tác với 1.018 người tham dự, tạo điều kiện để các hội viên giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và sáng tác nên đã có nhiều tác phẩm tốt tham gia các triển lãm lớn trong cả nước. Cũng trong nhiệm kỳ qua, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức được 265 triển lãm với 20.043 tác phẩm của 11.227 tác giả ở khắp mọi miền trong cả nước và ở cả nước ngoài… Trong 5 năm, từ 2014-2019, Ban Chấp hành Hội đã xét tặng 472 giải thưởng mỹ thuật trong nước và khu vực qua đó thúc đẩy sáng tác và nâng cao chất lượng tác phẩm của các hội viên trong cả nước. Ngoài ra, từ năm 2014-2019, Hội đã tổ chức được 01 cuộc hội thảo, 62 cuộc tọa đàm, in được 09 cuốn sách lý luận, phê bình mỹ thuật và tuyển tập tác giả - tác phẩm…

Đại hội lần thứ IX nhiệm kỳ 2019-2024 của Hội Mỹ thuật Việt Nam (Ảnh: K.T) 

Tuy nhiên, bên cạnh những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, vẫn còn có tác phẩm thiếu sâu sắc, xa rời cuộc sống, còn ít tác phẩm phản ánh, biểu hiện những vấn đề của cuộc sống đương đại. Chưa có những đột phá mới về ngôn ngữ tạo hình và sử dụng chất liệu, về khai thác đề tài, về thẩm mỹ và sức biểu cảm. Trong mỹ thuật vẫn còn tồn tại xu hướng thương mại hóa, có biểu hiện chạy theo đề tài dễ bán, hạ thấp chức năng giáo dục thẩm mỹ, còn nặng tính giải trí… xu hướng nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều hướng tăng lên nhưng tình trạng nghiệp dư hóa vẫn còn tồn tại khá phổ biến…

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, phát biểu tại Đại hội, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội gửi lời chúc mừng tới toàn thể các đại biểu, các nghệ sĩ tạo hình trong cả nước. Ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà Hội Mỹ thuật Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định: Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới, 05 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, và nghị quyết của đại hội Mỹ thuật toàn quốc lần thứ VIII, Hội Mỹ thuật Việt Nam và giới nghệ sỹ tạo hình đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo và đạt thành tựu.

Nhiều tác phẩm, công trình mỹ thuật có chất lượng ra đời; đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc phát triển cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng nòng cốt để xây dựng đời sống thẩm mỹ lành mạnh, tích cực, nhân văn. Các hội viên của Hội đoàn kết, sáng tạo, kế thừa và phát huy giá trị mỹ thuật truyền thống và tiếp thu có chọn lọc các xu hướng, trường phái nghệ thuật của thế giới. Mỹ thuật Việt Nam đã từng bước khẳng định được vị trí, uy tín của mình trong khu vực và thế giới.

Các hoạt động chuyên môn của Hội được tổ chức đa dạng, phong phú trên khắp cả nước, tham gia tích cực các triển lãm khu vực và thế giới, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần tích cực nâng cao đời sống tinh thần và thẩm mỹ của nhân dân.

Bên cạnh những nỗ lực và thành tựu quan trọng đã đạt được, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng đã chỉ ra hạn chế bất cập mà Hội Mỹ thuật Việt Nam cần khắc phục, đó là còn ít tác phẩm mỹ thuật về những vấn đề lớn của đất nước, về lịch sử hào hùng, về cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc; về công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Vẫn còn có những tác phẩm chưa thoát khỏi lối mòn, đơn giản, thậm chí dễ dãi, mang tính minh họa. Lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng chưa có được vai trò và phát triển xứng đáng, còn ít các thiết kế sáng tạo mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, có công năng hữu ích phù hợp với đời sống, có tính thẩm mỹ cao để trở thành những sản phẩm công nghiệp văn hóa, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Phê bình mỹ thuật có lúc còn cảm tính, dễ dãi, chưa thật sự khách quan, khoa học để trở thành người bạn đồng hành với sáng tác và định hướng thẩm mỹ cho xã hội. Hiện tượng vi phạm bản quyền tác giả, tranh giả, tranh nhái đang tồn tại ở không ít nơi làm ảnh hưởng đến uy tín của mỹ thuật Việt Nam. Một số hoạt động của Hội chưa thực sự thiết thực và hấp dẫn để thu hút các hội viên và tác giả trẻ tham gia.

Khẳng định mỹ thuật là lĩnh vực góp phần quan trọng xây dựng đời sống tinh thần và môi trường thẩm mỹ của xã hội; sống và làm việc trong môi trường thẩm mỹ tốt đẹp, lành mạnh, hướng thiện sẽ hình thành lối sống, lối ứng xử văn hóa, nghĩa tình, tích cực và nhân văn của con người, trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các họa sĩ, nhà điêu khắc phải bám sát đời sống đương đại, những vấn đề của xã hội và những chuyển biến lớn lao của đất nước để sáng tạo những tác phẩm, công trình mỹ thuật có giá trị nghệ thuật cao, nội dung tư tưởng sâu sắc, hình thức thể hiện vừa dân tộc vừa hiện đại, xứng đáng với tầm vóc sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Võ Văn Thưởng và đồng chí Nguyễn Thế Kỷ tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024 (Ảnh: K.T) 

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới ngày càng cao, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu Đại hội Hội Mỹ thuật Việt Nam lần này cần tập trung trí tuệ, trách nhiệm để đánh giá, phân tích sâu sắc các mặt đã làm được, những hạn chế, thiếu sót của Hội trong nhiệm kỳ qua, từ đó đúc kết kinh nghiệm, xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho nhiệm kỳ mới. Hội cần tiếp tục phát huy truyền thống hơn 60 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội cho phù hợp với thời kỳ mới. Phát huy tính tích cực, chủ động, trách nhiệm nghệ sĩ, trách nhiệm công dân của mỗi hội viên để phát triển nền mỹ thuật Việt Nam từ Hội hoạ, Đồ hoạ, Điêu khắc, Mỹ thuật ứng dụng đến Lý luận phê bình,… lên một tầm cao mới, dân tộc, hiện đại, khoa học, nhân văn; từng bước khẳng định vị thế của mỹ thuật Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Trên tinh thần đó, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị Hội Mỹ thuật Việt Nam tập trung thực hiện những nội dung quan trọng sau: Thứ nhất, Hội cần chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động chuyên môn mang tính chuyên nghiệp, làm tốt công tác tư tưởng cho Hội viên, tạo điều kiện cho Hội viên sáng tác nhiều tác phẩm, công trình có tầm tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao. Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng sáng tác cho hội viên và toàn xã hội hiểu rõ các giá trị của mỹ thuật, phát huy các di sản mỹ thuật truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa mỹ thuật thế giới, sáng tạo nhiều tác phẩm, công trình mỹ thuật mới, có giá trị; chú ý đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng, cả Mỹ thuật thủ công truyền thống lẫn Design hiện đại, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển nền mỹ thuật nước nhà.

Thứ hai, Hội cần phát huy vai trò tư vấn phản biện xã hội của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tích cực tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền và cơ quan quản lý các cấp trong lĩnh vực mỹ thuật. Tích cực tham gia cùng các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để đề xuất, nghiên cứu, từng bước cải thiện điều kiện hành nghề, tạo hành lang pháp lý không chỉ để khắc phục và đẩy lùi tình trạng vi phạm bản quyền, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng của các họa sĩ theo thông lệ quốc tế mà quan trọng hơn còn tạo điều kiện để người nghệ sĩ tự do sáng tạo góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ ba, Hội cần tập trung hơn nữa cho công tác xây dựng bộ máy lãnh đạo Hội theo hướng trẻ hóa, chuẩn hóa; chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ hội viên, nhất là cán bộ trẻ từ Trung ương Hội đến các chi hội. Chăm lo bồi dưỡng, nâng cao trình độ, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân cho hội viên, để mỗi họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế là một nghệ sỹ - chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam trong thời đại mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Tại Đại hội, các đại biểu đã tập trung thảo luận và thông qua Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ; phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới của Hội; báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Hội; thông qua Điều lệ (sửa đổi, bổ sung). Đại hội đã bầu Ban chấp hành Hội gồm 11 thành viên, trong đó họa sĩ Lương Xuân Đoàn được bầu làm Chủ tịch Hội. Đại hội cũng đã bầu Ban Kiểm tra Hội khóa IX gồm 05 thành viên./.

 
K.T