TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN MIỆNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI HIỆN NAY 

Công tác tư tưởng là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Để tiến hành công tác tư tưởng, Đảng ta sử dụng nhiều kênh, nhiều công cụ, phương pháp tuyên truyền. Trong đó, tuyên truyền miệng qua hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên được Đảng ta xác định là công cụ quan trọng hàng đầu nhằm tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chính sách, truyền bá những chủ trương, quan điểm của Đảng, đưa tiếng nói của Đảng đến quần chúng nhân dân. Hiện nay, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên được xác định là vũ khí sắc bén, kịp thời đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phê phán các quan điểm sai trái nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, là cầu nối giữa Đảng và Nhân dân.

Sinh thời, khi nói đến tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Trong tuyên truyền cán bộ tuyên truyền cần xác định rõ ràng nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp như: “Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?”. Đối với Đảng ta, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, đặc biệt là Chỉ thị số 17 - CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X nhấn mạnh: “Tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là một mắt khâu quan trọng, trực tiếp nối liền Đảng, Nhà nước với Nhân dân, Trung ương với địa phương và cơ sở để vừa đưa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước đến với nhân dân, vừa nắm bắt, phản ánh trung thực, kịp thời tư tưởng, tâm tư, nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.

Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, công tác tuyên truyền miệng ở tỉnh Quảng Trị đã không ngừng được nâng lên, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Để đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền trong tình hình mới, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, cơ bản đủ về số lượng, chất lượng từng bước nâng lên. Tính đến hiện nay, đội ngũ báo cáo viên các cấp trên địa bàn tỉnh có 374 người, trong đó có 4 báo cáo viên trung ương, 50 báo cáo viên Tỉnh ủy, 320 báo cáo viên cấp huyện và tương đương. Có 295/374 người là cấp ủy viên các cấp tham gia đội ngũ báo cáo viên từ trung ương đến cơ sở. Đa số, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; nhiệt tình, tâm huyết với công việc, có ý thức tự học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã trở thành lực lượng chủ lực trong công tác tuyên truyền miệng của Đảng bộ và ngày càng có những đóng góp tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác tư tưởng, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng trước các luận điểm sai trái và âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch. Thông qua công tác tuyên truyền đã tạo nên sự đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà đại hội đảng bộ các cấp đề ra.

Các cấp uỷ luôn quan tâm đến đổi mới nội dung và đa dạng hoá các nội dung tuyên truyền. Nội dung thông tin đã được lựa chọn, mang tính thời sự, đúng định hướng gắn với nhiệm vụ chính trị, yêu cầu thực tiễn của tỉnh, địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, công tác biên tập phát hành bản tin cấp tỉnh, huyện đã được duy trì theo quy định, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, không ngừng đổi mới về hình thức, nội dung, tăng về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin và định hướng tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền thì công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thời gian qua được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo. Hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cử đội ngũ báo cáo viên các cấp và cán bộ làm công tác tuyên truyền tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng về công tác tuyên truyền miệng do cấp trên tổ chức; đồng thời, Ban Tuyên giáo các cấp thường xuyên phối hợp với Trường Chính trị Lê Duẩn, Trung tâm Chính trị huyện, thành phố mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó, giúp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền miệng nói riêng; nắm vững nội dung, phương pháp, nghiệp vụ về công tác tuyên truyền miệng.

Về chế độ chính sách cho báo cáo viên, tuyên truyền viên được thực hiện nghiêm túc theo quy định. Đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của cấp uỷ cơ sở và chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị đã vận dụng hỗ trợ chế độ bồi dưỡng đảm bảo phù hợp, đúng chế độ chính sách.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế hiện nay,  bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên vẫn còn có những hạn chế nhất định. Cụ thể, năng lực truyền đạt và chất lượng đội ngũ báo cáo viên chưa cao; một số vấn đề, thông tin chưa đáp ứng tốt nhu cầu và trình độ ngày càng cao của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Phương thức tuyên truyền còn nặng một chiều, ít chú ý trao đổi, đối thoại trực tiếp với cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Một số cấp ủy, người đứng đầu chưa nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên nhằm góp phần đưa nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, các cấp uỷ Đảng cần tiếp tục tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, luôn xác định và coi công tác tuyên truyền miệng là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, trước hết là của người đứng đầu cấp ủy, của tập thể cấp ủy và của mọi cán bộ, đảng viên phải trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động, giải thích đường lối, chủ trương, chính sách  của Đảng, Nhà nước cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là ở cấp cơ sở.Tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 "Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới"; Thông báo Kết luận số 225-TB/TW, ngày 3/3/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X "về cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới".

Hai là, cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên với chủ trương “hướng về cơ sở”. Tăng cường đối thoại, giải đáp kịp thời những băn khoăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Thông qua cơ sở giúp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên bám sát thực tiễn, củng cố thêm lý luận, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân, kịp thời phản ánh với cấp ủy đảng, chính quyền để đề ra các chủ trương, chính sách thích hợp. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả. Phương pháp tuyên truyền phải đảm bảo tính khoa học, tính Đảng, tính giáo dục, tính nghệ thuật.

Ba là, tiếp  tục  kiện toàn, củng cố hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Ban Tuyên giáo các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cần chủ động tham mưu giúp cấp uỷ cùng cấp tiếp tục rà soát, củng cố đội ngũ báo cáo viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chất lượng. Đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có uy tín và năng lực công tác, khả năng đối thoại, thuyết phục người nghe và thực sự là cầu nối giữa các tổ chức đảng, chính quyền với Nhân dân.

Bốn là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Hàng năm, Ban tuyên giáo các cấp chủ động tham mưu giúp cấp ủy tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên  nhằm giúp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền miệng nói riêng; nắm vững nội dung, phương pháp, nghiệp vụ về công tác tuyên truyền miệng. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư phương tiện, kinh phí hoạt động cho công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên của tỉnh hiện nay đã, đang được quan tâm và gặt hái nhiều kết quả quan trọng. Với những phương hướng, giải pháp trong thời gian tới, tin tưởng rằng, đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền viên của sẽ phát huy vai trò của mỗi báo cáo viên trong việc làm cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, không ngừng nỗ lực, cố gắng, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong nhiệm kỳ mới 2020-2025 mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, cũng như đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Xuân Ngọc

 

2633 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 822
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 822
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87005313