Ngày 15/3, tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam dự và phát biểu tại hội thảo.
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam PGS.TS. Bùi Nhật Quang cho biết: Sau 36 năm Đảng ta tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước (năm 1986), Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương chính sách quan trọng về đất đai. Các nghị quyết đã đưa ra những chủ trương mới của Đảng về quản lý nhà nước về đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất, chế độ sử dụng một số loại đất, là cơ sở cho Chính phủ ban hành Luật Đất đai. Đến nay, Luật Đất đai được ban hành và sửa đổi 4 lần: Luật Đất đai đầu tiên của Việt Nam được ban hành vào năm 1987, ghi nhận dấu mốc quan trọng của hệ thống pháp luật về đất đai với điểm đột phá là chủ trương giao đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân; và Luật Đất đai tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với những vấn đề mà thực tiễn đặt ra vào các năm 1993, 2003 năm 2013. Tuy nhiên, những lần sửa đổi đó vẫn chưa triệt để, chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Chính sách, pháp luật đất đai được sửa đổi, bổ sung vẫn chưa thực sự đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội.
Theo PGS.TS. Bùi Nhật Quang, bên cạnh kết quả tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập. Nguồn lực về đất đai vẫn chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quá trình thực thi chính sách, pháp luật về đất đai đã bộc lộ nhiều “kẽ hở”, tạo môi trường, điều kiện cho “nhóm lợi ích” tiêu cực trục lợi, tham nhũng. Do đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã đưa ra định hướng mang tính chiến lược cho giai đoạn 2021-2030 “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh”, trong đó có nguồn lực đất đai, đồng thời đưa ra các nhiệm vụ đột phát chiến lược, trong đó có vấn đề đất đai như: “huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực đất đai”. Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 đã nhấn mạnh: Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, ổn định, cụ thể, minh bạch; phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là các thị trường quyền sử dụng đất…
PGS.TS. Bùi Nhật Quang hy vọng rằng, tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý sẽ có nhiều ý kiến thẳng thắn, khách quan, khoa học để mổ xẻ vấn đề chính sách đất đai từ nhiều chiều cạnh, để từ đó có cơ sở đề xuất giải pháp để xử lý những vấn đề mang tính “căn cơ” đang đặt ra đối với chính sách, pháp luật về đất đai; đồng thời có những kiến nghị mang tính “đột phá” nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thị trường đất đai để giải phòng nguồn lực đất đai, để thị trường đất đai thực sự trở thành nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nêu rõ, nội dung Luật Đất đai qua các lần sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thi hành đã cung cấp một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối hoàn chỉnh, thể hiện quan điểm của Đảng về chính sách đất đai, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, đặc biệt trong nông nghiệp, nông thôn. Những đột phá quan trọng trong chính sách đất đai thời gian qua đã mang lại những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, đặc biệt trong nông nghiệp, nông thôn. Nguồn lực đất đai đã được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội: an ninh lương thực được đảm bảo; đất cho sản xuất, phát triển đô thị, quốc phòng, an ninh được phân bổ hợp lý hơn; thị trường bất động sản mở rộng, các giao dịch chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất không ngừng tăng lên; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; công tác quy hoạch, kế hoạch gắn kết tốt hơn với khai thác sử dụng đất, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; việc phân cấp, phân quyền quản lý và sử dụng đất được coi trọng, bước đầu khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất...
Tuy nhiên, so với yêu cầu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới trong giai đoạn hiện nay, nguồn lực đất đai chưa thực sự được khai thác và sử dụng có hiệu quả để trở thành nguồn nội lực quan trọng. Còn tồn tại không ít vấn đề nổi cộm về quản lý và khai thác, sử dụng đất như: công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều bất cập, chưa thực sự có sự thống nhất cao từ Trung ương tới địa phương, chưa thực sự công khai, minh bạch và dựa trên cơ chế thị trường; việc tích tụ, tập trung ruộng đất chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật đất đai còn diễn biến phức tạp, chậm được giải quyết, gây bức xúc xã hội; thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa thực sự ổn định, thiếu minh bạch, chưa bền vững; việc sử dụng đất đai còn lãng phí, chưa hiệu quả ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nông trường…
Trên cơ sở nhận thức rõ rằng những hạn chế, tồn tại trong khai thác nguồn lực đất đai là một trong những điểm nghẽn quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa qua đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đất đai, đề ra nhiệm vụ: “quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên”, trong đó, những nội dung được ưu tiên hàng đầu là xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai; Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất… “Những chủ trương, chính sách trên của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ là cơ sở để các cơ quan, các cấp có thẩm quyền nhanh chóng triển khai, áp dụng vào thực tiễn giúp nước ta khai thác được giá trị tài nguyên đất một cách bền vững” - PGS.TS. Phạm Minh Tuấn nhận định.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung chia sẻ ý kiến, quan điểm về “Những điểm nghẽn trong thị trường đất đai ở Việt Nam” và “Một số định hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách đất đai trong bối cảnh mới”. Trong đó, tập trung làm rõ vấn đề sở hữu đất đai và những bất cập, điểm nghẽn, nút thắt trong khơi thông nguồn lực đất đai; những vấn đề liên quan đến vướng mắc trong quản lý nhà nước về đất đai; những vấn đề tồn tại kéo dài có liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai; vấn đề sử dụng các công cụ thị trường trong quản lý đất đai…
Các ý kiến tham luận tại Hội thảo sẽ được tổng hợp, chắt lọc thành Báo cáo kiến nghị chính sách để gửi đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách về đất đai trong giai đoạn tới, đặc biệt là phục vụ chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đánh giá 10 năm thi hành Luật Đất đai 2013./.