Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: NH)
Trong 3 ngày (22-24/8), tại Thái Nguyên, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Tạp chí Lao động và xã hội tổ chức Hội nghị truyền thông về việc làm.
Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu đại diện cho các Sở LĐTB&XH, các Trung tâm dịch vụ việc làm, cùng hơn 100 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm cho biết, trong những năm qua, lĩnh vực việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của toàn xã hội. Trong các thành tựu chung đó, công tác truyền thông về lĩnh vực này đã có những đóng góp đáng kể với vai trò nổi bật của các phương tiện thông tin đại chúng.
Ông Trung cho hay, với trách nhiệm của mình, Bộ LĐ-TB&XH đã, đang và sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; mở rộng phạm vi bao phủ của các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động sang khu vực phi chính thức. Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH xác định 3 đột phá trong năm nay, đó là về thể chế, thị trường lao động, gắn đào tạo với việc làm. Trong đó, vấn đề lao động việc làm hiện nay không chỉ là vấn đề xã hội mà còn là vấn đề kinh tế vì lao động là đầu vào của quá trình sản xuất, không có lao động kinh tế không phát triển được. Nước ta đã và đang hướng tới sử dụng lao động năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn
Ông Lê Quang Trung mong muốn các cơ quan truyền thông, báo chí đồng hành cùng các hoạt động của Bộ LĐ-TB&XH, trong đó có lĩnh vực thông tin về việc làm, để xã hội nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề này.
Ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm phát biểu (Ảnh: NH)
Thông tin tại hội nghị về kết quả 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng BHTN, Cục Việc làm cho hay: Chính sách BHTN là chính sách mới trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động, là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm. Song quan trọng hơn vẫn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm.
Theo ông, số lượng người tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục tăng qua các năm và đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu năm 2009 mới chỉ có gần 6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì tới năm 2015 (năm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực) đã có hơn 10 triệu người tham gia tăng 11,8% so với năm 2014; năm 2018 có hơn 12,6 triệu người tham gia tăng 7,7% so với năm 2017, bằng 87,7% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (14,45 triệu người), tổng số đơn vị tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 361.586 đơn vị.
Đáng chú ý, ông cho biết, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tính đến cuối năm 2018 là 79.073 tỷ đồng, dự báo đến năm 2025, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn.
Cũng tại Hội nghị, các đơn vị chuyên môn của Cục Việt làm như: Phòng BHTN, Phòng Quản lý lao động, Phòng Thị trường lao động, Phòng chính sách việc làm cũng đã thông tin một số vấn đề quan trọng như: Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN theo tình thần Nghị quyết số 28-NQ/TW; Một số nội dung về tuyển và quản lý lao động ngoài nước tại Việt Nam; Công ước số 88 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tổ chức dịch vụ việc làm và những vấn đề đặt ra cho tổ chức dịch vụ việc làm Việt Nam; Kết quả thực hiện hoạt động cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2015/NĐ-CP; Chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù.
Phó tổng biên tập Thường trực Báo điện tử ĐCSVN Nguyễn Công Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: NH)
Hội nghị cũng đã thảo luận về thực trạng công tác truyền thông về việc làm, BHTN, những kết quả, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, từ đó kiến nghị các giải pháp đẩy mạnh truyền thông trong thời gian tới.
Chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền hiệu quả trên báo điện tử, Phó tổng biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Công Dũng cho rằng, với lợi thế của báo điện tử là đa phương tiện, khi tuyên truyền về lĩnh vực lao động, việc làm, các phóng viên cần xác định rõ đối tượng tuyên truyền, nội dung tuyên truyền để từ đó có hình thức tuyên truyền phù hợp như tích hợp âm thanh, hình ảnh, video vào các tác phẩm báo chí…
Trong khuôn khổ hội nghị, Ban tổ chức đã tổ chức cho các đại biểu tham quan thực tế, làm việc và phỏng vấn người lao động và người sử dụng lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên; tìm hiểu thực tế tại một số mô hình vay vốn giải quyết việc làm có hiệu quả tại tỉnh Thái Nguyên./.
Nhật Hải