Ảnh minh họa. (Ảnh: M.P)

Đó là nhận định của bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc Văn phòng của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) khi trao đổi với báo chí xung cơ chế một cửa và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thời gian qua.

Phóng viên (PV): Bà đánh giá như thế nào về những nỗ lực giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp trong công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu thời gian qua? Và những vướng mắc của doanh nghiệp hiện nay?

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy:  Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao vì nhiều vấn đề vướng mắc đã được giải quyết như trị giá Hải quan với mặt hàng phi thương mại hay hàng cá nhân thực hiện qua hoạt động xuất nhập khẩu, điều này thúc đẩy việc phát triển thương mại điện tử.

Tuy nhiên, thời gian qua, chúng tôi thấy còn một số vấn đề. Một là, cổng thông tin một cửa quốc gia doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất là tình huống điện tử nửa vời. Vì có tình huống doanh nghiệp sau khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành thì phải thông báo cho Hải quan rằng tôi đã có kết quả, thậm chí phải in ra hay gọi điện để thông báo cụ thể, sau đó hàng hóa mới được xem xét thông quan.

Ngay cả với dự thảo Nghị định cơ chế một cửa quốc gia đang được xin ý kiến, quy định hiện chỉ nêu về kết nối giữa cổng thông tin một cửa quốc gia với doanh nghiệp và các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành, trong khi không hề có điều khoản nào quy định kết nối giữa cổng với chính các cơ quan hải quan. Dẫn chứng một trường hợp tại Hải Phòng, doanh nghiệp ngoài nộp thuế còn phải nộp phí cửa khẩu cảng biển và nhiều khoản phí khác. Nhưng những khoản phí này không hề liên kết với hệ thống một cửa nên doanh nghiệp vẫn phải tới từng địa chỉ nộp tiền thủ công.

Tôi mong và sẽ đưa ra ý kiến là cần có quy định rõ ràng kết nối giữa chính các cơ quan Hải quan và cổng 1 cửa để kết quả được thông báo tự động. Và như thế doanh nghiệp chỉ ngồi 1 nơi, lên cổng là giải quyết toàn bộ  vấn đề.

Hai là, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và cải cách chuyên ngành. Tôi cho rằng, doanh nghiệp gần đây phản ánh tình trạng áp mã HS đang tùy nghi, chuyện này có biểu hiện là có mặt hàng đã khai báo rồi định mã HS rồi lần sau chỉ đổi màu sắc, dày mỏng, 1 số kích cỡ, mà không phải bản chất hàng hóa thì doanh nghiệp phải khai báo lại từ đầu và nhận được định danh HS lại.

Mô tả HS hiện cũng không rõ nên khi Hải quan xác định mã HS có thể bị tùy nghi. Việc tùy nghi này có thể cả trong chuyện lớn hơn là từ mặt hàng này áp sang mã khác hoặc có tình huống, mặt hàng áp mã HS không phù hợp thực tiễn.

Một vấn đề khác tôi mong Hải quan phát huy tinh thần tự động. Trước doanh nghiệp gặp nhiều tình huống khi nộp tiền thuế xuất nhập khẩu hay là các thuế khác qua ngân hàng, để đạt được điều kiện thông quan thì phải đợi thuế ở đầu Hải quan. Cái đó làm tiến trình thông quan mất 2-3 ngày, gần đây phía Ngân hàng đã giải quyết được phần nào. 

Ngoài ra, việc phân lưu lượng hàng hóa tự động các cảng hiện tại việc phân tàu nào vào cảng nào là do Hải quan có 1 phần trách nhiệm, nhưng hiện không có ứng dụng công nghệ thông tin nên doanh nghiệp có thể đi vào cảng A, khai báo xong cả rồi thì cảng báo quá tải và doanh nghiệp phải hủy tờ khai và điều sang cảng B làm lại từ đầu, điều này làm mất nhiều thời gian của doanh nghiệp.

PV: Theo bà, một số ứng dụng gần đây như ứng dụng chữ ký số vào cảng biển, giúp gì cho doanh nghiệp?

 Bà Phạm Thị Ngọc Thủy: Chúng tôi vẫn nhận định, doanh nghiệp ghi nhận tiến bộ trong việc cải cách hiện địa hóa Hải quan thời gian vừa qua. Thời gian tới doanh nghiệp mong muốn ngành Hải quan quyết liệt hơn nữa để đồng bộ hóa các khâu liên quan. Đặc biệt là về việc ứng dụng chữ ký số sẽ được làm rộng rãi. Tuy nhiên, có 1 vấn đề nhỏ là tiêu chí mặt kỹ thuật trên cổng quốc gia thì chữ ký số có tiêu chí A, nhưng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số thì dùng nhiều tiêu chuẩn B,C,D nên doanh nghiệp phải tự đồng bộ hóa. Về việc này ngành Hải quan cần quyết liệt hơn để doanh nghiệp không còn phải băn khoăn…/.

Minh Phương