Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ sự cảm ơn và mong muốn tiếp tục có những hợp tác chia sẻ của cộng đồng quốc tế với Việt Nam trong thời gian tiếp theo.

Ngày 21/2, tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2022 (VBF 2022) có chủ đề “Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới” đã chính thức diễn ra với hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đây là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam; thể hiện sự đồng hành của Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. Diễn đàn có sự tham dự của: bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB), bà Amy N. Luinstra, Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế cùng đông đảo đại biểu, đại diện các cơ quan Chính phủ, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thể hiện tinh thần hành động quyết liệt và sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp.
 Diễn đàn thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu (Ảnh chụp màn hình)

Tiếp tục lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho sự phát triển

Trong phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, với Việt Nam, càng khó khăn, càng phức tạp thì tinh thần đoàn kết càng tăng, ý chí càng thể hiện rõ. “Hơn lúc nào hết, chúng tôi đã bình tĩnh sáng suốt tổ chức các hoạt động hiệu quả - xây dựng nền kinh tế tự chủ, đảm bảo và ổn định kinh tế vĩ mô liên quan đến việc cung ứng nguyên vật liệu, không để đứt gãy chuỗi, kết hợp hài hòa tiền tệ và tài khóa hiệu quả, hợp lý, xử lý tích cực những vấn đề toàn cầu như: dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH), an ninh phi truyền thống dưới cách tiếp cận toàn cầu. Ngoài ra, xử lý những vấn đề thời sự hiện nay liên quan tới nhân dân dưới góc nhìn và cách tiếp cận toàn dân, nêu cao tinh thần đoàn kết toàn dân và chung tay góp sức toàn dân, khẳng định tầm quan trọng vai trò của nhân dân, xác định rõ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực cho sự phát triển” – Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, bối cảnh 2022 có những vấn đề thường xuyên trong điều kiện bình thường mới, đó là: phải hồi phục sau một cơn đại dịch trong một điều kiện mới; diễn biến tình hình còn đang rất phức tạp và khó lường nhưng  vẫn phải bình tĩnh, sáng suốt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không thể nóng vội.

Đề cập tới Chương trình tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết, hiện Việt Nam đã tìm ra công thức chống dịch, đó là: 5K+ vaccine+ các biện pháp điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của người dân (rất quan trọng) + các biện pháp khác (hợp tác doanh nghiệp với người dân, doanh nghiệp với chính quyền…) và đặc biệt tăng cường năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Đối với chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, sẽ triển khai phục hồi nhanh, phát bền vững và dành 4% GDP cho các hoạt động phục hồi, trong đó, tập trung vào nâng cao năng lực y tế, an sinh xã hội, giúp đỡ người dân khó khăn nhất là lực lượng yếu thế, giúp đỡ doanh nghiệp (giảm các loại: thuế, phí, điện, nước, viễn thông), phục hồi thị trường lao động, phục hồi các hạ tầng: số, chống BĐKH, giao thông…Tất cả vẫn đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho sự phát triển.

Đề cao tới sự phát triển kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh mới, người đứng đầu Chính phủ  Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh rằng, nguồn lực bên trong là cơ bản lâu dài. Nguồn lực đó là con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử. Trong khi đó, nguồn lực bên ngoài quan trọng và đột phá bao gồm: hoàn thiện thể chế, tiếp thu, học hỏi từ kiến thức nhân loại, củng cố nguồn lực tài chính và công nghệ tiên tiến cũng như quản trị tiên tiến, nâng cao năng lực trình độ của người lao động (gọi tắt là nguồn nhân lực chất lượng cao). Tới đây, Việt Nam vẫn tiếp tục tập trung vào “3 đột phá chiến lược”: xây dựng thể chế - cải cách hành chính và nâng cao nhân lực – hạ tầng (giao thông, số, BĐKH) song song với thúc đẩy đổi mới sáng tạo lấy khoa học, giáo dục (KHGD) là quốc sách hàng đầu, KHGD tiên tiến mang bản sắc dân tộc cùng với tăng cường phòng, chống tham nhũng, trong sạch hóa bộ máy nhà nước.

“Một việc nữa không thể không làm là chuyển đổi xanh đã trở thành xu thế của hiện tại và tương lai, trong đó hướng tới năng lượng xanh, sạch, xanh hóa kinh tế, không đánh đổi môi trường chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; chuyển đổi số với 3 trụ cột: hạ tầng số, chính quyền số và công dân số; chống BĐKH và từng bước thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26…” – Thủ tướng nhấn mạnh thêm.

 Bà Amy N. Luinstra, Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế chia sẻ tại Diễn đàn (Ảnh chụp màn hình)

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, Thủ tướng đã kêu gọi quốc tế đề cao chủ nghĩa đa phương, hỗ trợ Việt Nam trên tinh thần “công bằng về công lý”. “Việt Nam là nước đang phát triển, mới triển khai đổi mới sau thời gian dài chiến tranh nên gặp nhiều khó khăn, không đủ điều kiện để chuyển đổi nhanh và ngay. Do đó, chúng tôi vô cùng trân trọng các góp ý của bạn bè quốc tế đồng thời cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết tình yêu, sự thấu hiểu của các bạn quốc tế với Việt Nam không chỉ tại Diễn đàn hôm nay mà còn là cả quá trình hợp tác cùng phát triển, cùng vượt qua khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 tác động đầy khó khăn vừa qua”- Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.

Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cùng với phục hồi kinh tế - xã hội hiệu quả

Năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng khi là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, là năm đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh đất nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trước bối cảnh đó, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh nhiệm vụ ưu tiên số 1 là phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển hướng chiến lược ứng phó dịch bệnh COVID-19 theo hướng “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp, như quy định việc duy trì sản xuất, kết hợp phòng, chống dịch của các doanh nghiệp, lưu thông hàng hóa, thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, hỗ trợ người lao động… nhằm duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, chống đứt gãy chuỗi cung ứng và lao động; đồng thời, ban hành nhiều chính sách về gia hạn, miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, hỗ trợ an sinh xã hội; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, duy trì, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nhờ đó, năm 2021, mặc dù gặp khó khăn, thách thức nhiều hơn các năm trước, nhưng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực.

Nền kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng đạt 2,58%; đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát; cơ cấu kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định. Thu ngân sách nhà nước vượt 16,4% dự toán; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 48,6 tỷ USD; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng; thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực. Các công cụ chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế. Thị trường chứng khoán phát triển nhanh, quy mô vốn hóa tăng trên 46% so với năm 2020, trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong năm 2021, gần 160 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt trên 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020. Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và có những tác động tiêu cực tới trong nước và trên thế giới. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi, tổng vốn đăng ký đạt trên 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào kết quả phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam. Về đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, công nghiệp văn hóa, các mô hình, hoạt động kinh doanh mới ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ và sâu rộng.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh chụp màn hình)

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để đạt được kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua, có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta vững tin bước vào năm 2022 – là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Cũng ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, với tinh thần làm việc quyết liệt, không ngừng nghỉ, vào 30/1 (tức ngày 28 Tết Nguyên đán), Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Nghị quyết này được đánh giá là văn bản quan trọng của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành để cụ thể hóa Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, tập trung trong 2 năm 2022 – 2023./.

 
Lê Anh