TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (thứ 2 từ trái sang)  

Đây là khẳng định của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Doanh nghiệp: Lựa chọn nào thời hậu Covid-19, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp-VCCI tổ chức chiều 2-7, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra vào sáng 2-7, dự báo tình hình dịch Covid-19 trên thế giới còn rất phức tạp, phần lớn thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam đang lún sâu trong khủng hoảng, do vậy việc mở cửa thị trường thế giới cần thận trọng. “Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, trong quá trình đó, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai giải pháp mới và tính đến hỗ trợ các lĩnh vực có tiềm năng là du lịch và hàng không. Đồng thời, cũng cần hỗ trợ cho các dự án có tiềm năng và chịu ảnh hưởng nhiều”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, thực tiễn chỉ ra rằng, động lực lớn nhất của tăng trưởng là cải cách thể chế, dư địa lớn nhất cũng là cải cách thể chế. Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch, VCCI hiện đang phối hợp với các đối tác chuẩn bị cho ra mắt cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp. “Để doanh nghiệp có thể vượt qua đại dịch thì nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải là các nhà lãnh đạo kiên cường, lãnh đạo phải bằng trái tim”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi chính sách chiến lược của doanh nghiệp theo hướng chưa từng có tiền lệ: Một số chi phí từng được các nhà lãnh đạo cho là cố định thì nay lại là chi phí biến đổi; trong khi đó một số năng lực vốn được xem như kiến tạo khác biệt thì giờ đây đã trở thành điều kiện tối thiểu trong vận hành doanh nghiệp. Vì thế, theo các đại biểu tham dự diễn đàn, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải tiếp tục cân bằng chiến lược cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, đồng thời chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng để chuẩn bị cho những khủng hoảng trong tương lai.

Tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp 

Tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực dự báo, kinh tế thế giới 2020 sẽ suy thoái, giảm khoảng 3-4% so với năm 2019, nhưng sẽ hồi phục mạnh trong năm 2021. Tuy nhiên, tại Việt Nam, công tác phòng chống dịch đã có hiệu quả, nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và bán lẻ, thu hút FDI bắt đầu hồi phục từ đầu tháng 4/2020. Giải ngân đầu tư công cũng cải thiện tích cực, thị trường chứng khoán hồi phục khá. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA dự kiến có hiệu lực từ 1/8/2020 dự báo sẽ thu hút dòng vốn đầu tư chuyển dịch khả quan.

Vì thế, theo TS. Cấn Văn Lực, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội hiệu quả thì Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ phát triển hiệu quả các gói hỗ trợ, an sinh xã hội... Cùng với đó, tìm kiếm, phát huy các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy xuất khẩu các thị trường còn tiềm năng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát như Mỹ, EU, ASEAN, Hàn Quốc...

Nói về định hướng cho các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành nhận định, doanh nghiệp cần định hình lại phương thức sản xuất kinh doanh, chú trọng thông tin, dịch vụ gắn với xử lý dữ liệu và kết nối để thông minh hóa nhà quản trị, quy trình sản xuất và tối ưu hóa chuỗi giá trị. Đặc biệt, để quản trị rủi ro, doanh nghiệp cần học hỏi, chuẩn bị, sử dụng các công cụ phòng chống, tận dụng bảo hiểm, tăng nhận thức pháp lý…

Đồng quan điểm, ông Hoàng Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho biết, doanh nghiệp cần thiết phải chuyển dịch mô hình kinh doanh và chi phí để tăng cường sức bền và tính linh hoạt. Theo ông Hùng, khủng hoảng Covid-19 đã thay đổi nhiều khái niệm cũng như mô hình về chi phí. Một số chi phí từng được các nhà lãnh đạo cho là cố định thì nay lại là chi phí biến đổi, ví dụ chi phí thuê văn phòng…

Theo ông Hùng, có 4 bài học hữu ích từ các cuộc khủng hoảng trước đây cần được cập nhật để thích ứng với những biến đổi không ngừng từ đại dịch. Đó là sự thay đổi dài hạn trong thói quen của người tiêu dùng; môi trường kinh doanh đầy biến động và chứa nhiều yếu tố chưa rõ ràng; sự thay đổi trong tính chất công việc; suy giảm niềm tin vào doanh nghiệp.

 
Tin, ảnh: Kim Dung