Tiếp thu đầy đủ các ý kiến đối với các báo cáo tư pháp, phòng chống tham nhũng 

(Chinhphu.vn) – Quốc hội đã dành 1,5 ngày (ngày 4 và sáng 5/11) họp phiên toàn thể tại Hội trường để thảo luận về các báo cáo tư pháp; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng. Có gần 50 vị đại biểu Quốc hội phát biểu và 6 ý kiến tranh luận.

 

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, phiên thảo luận diễn ra rất sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm.

Về các báo cáo công tác tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với những nội dung các báo cáo và cho rằng các báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, có nhiều đổi mới.

Trong năm 2019 Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc thực hiện các nhiệm vụ đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được nêu trong các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp.

Cụ thể, về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, năm 2019, Chính phủ đã chỉ đạo cấp bộ, ngành, trong đó lực lượng Công an nhân dân làm nòng cốt, triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Một số loại tội phạm giảm so với cùng kỳ năm trước, đã khám phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn. Nhiều vụ vi phạm pháp luật và tội phạm với quy mô lớn đã được phát hiện, xử lý. Các vụ trọng án giết người, giết nhiều người được khám phá nhanh.

Tuy nhiên, qua thảo luận, các đại biểu cũng chỉ ra một số vấn đề nổi lên. Đó là, mặc dù số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện nhiều, xử lý nghiêm nhưng tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em không giảm. Tội phạm xâm hại trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội, trong đó trên 70% số vụ là xâm hại tình dục trẻ em.

Tình trạng vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai xảy ra ở nhiều địa phương, trong thời gian dài, gây thất thoát lớn về tài sản của nhà nước nhưng việc phát hiện, xử lý chậm và còn nhiều hạn chế.

Công tác quản lý người nước ngoài ở nhiều địa phương còn bất cập. Nhiều đối tượng người nước ngoài lợi dụng địa bàn nước ta để phạm tội lừa đảo; tổ chức đánh bạc qua mạng, dụ dỗ trẻ em đóng phim khiêu dâm. Tình trạng mua bán người, tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép vẫn rất phức tạp, nhất là ở những địa bàn kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, miền núi, nhưng việc phát hiện, ngăn chặn chưa hiệu quả.

Các vụ cháy nổ vẫn xảy ra nhiều, đáng lưu ý là vụ cháy cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và môi trường. Tai nạn giao thông tuy có giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người. Trong đó, nhiều vụ tai nạn do lái xe sử dụng ma túy, rượu, bia…

Chế tài xử phạt hành chính trong một số lĩnh vực chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm mới đạt 87,4%, chưa đạt yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội.

Về các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, công tác thi hành án, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý với những kết quả đạt được được nêu trong báo cáo trình Quốc hội. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát, điều tra các vụ án hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân, công tác xét xử, thi hành án tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với năm 2018.

Số lượng tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã kiểm sát tăng, công tác xét xử, phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh đạt 99% trong kỳ báo cáo, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt được áp dụng cơ bản nghiêm minh, đúng pháp luật. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao hơn so với năm 2018 cả về số vụ việc, cả về tiền. Công tác thi hành án phạt tù bảo đảm đúng pháp luật, chất lượng giáo dục, cải tạo phạm nhân tốt hơn.

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng vẫn còn những hạn chế trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp trong việc giải quyết các vụ án hình sự. Trong đó, chưa khắc phục được tình trạng quá hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Kkiến nghị khởi tố, số vụ án bị tạm đình chỉ điều tra còn rất lớn, còn để xảy ra một số trường hợp truy tố oan và nhiều trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt. Chất lượng tranh tụng của một số kiểm sát viên còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là việc kiểm sát viên chưa chủ động tranh luận, đối đáp, đi đến cùng các ý kiến của người bào chữa. Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc dân sự, vụ án hành chính giảm so với cùng kỳ năm trước…

Về hạn chế trong hoạt động xét xử của Tòa án, vẫn còn tình trạng vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn hoãn phiên tòa, nghị án; còn nhiều trường hợp án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan. Tình trạng số lượng kháng nghị giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án của Tòa án nhân dân cấp huyện ít hơn nhiều so với Tòa án nhân dân cấp tỉnh khi còn thẩm quyền này.

Ngoài ra, công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự vẫn chưa khắc phục được tình trạng án tuyên không rõ, khó thi hành án. Công tác xét xử các vụ án hành chính, tỷ lệ xét xử còn thấp, chỉ đạt 59% và chưa đạt chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội giao. Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội, còn một số trường hợp khiếu nại, bức xúc kéo dài vẫn chưa được giải quyết.

Về hạn chế trong công tác thi hành án, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, tỷ lệ án thi hành xong việc tiền vẫn đạt thấp so với tổng số án có điều kiện thi hành, nhiều vi phạm trong chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan thi hành án dân sự qua nhiều năm vẫn chưa được khắc phục cơ bản, số vụ án hành chính chưa thi hành xong tăng 51% so với cùng kỳ năm 2018.

Về nguyên nhân của tồn tại hạn chế, đa số ý kiến tán thành với những nhận định, đánh giá tại các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Các đại biểu cũng phân tích và chỉ rõ nguyên nhân một số cán bộ trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, năng lực còn hạn chế. Đồng tời, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc Quốc hội ban hành nghị quyết chung về công tác tư pháp, trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp trong các nghị quyết trước đây đã ban hành.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng tán thành với Báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tư pháp về đánh giá tình hình tham nhũng và dự báo tình hình tham nhũng trong thời gian tới sẽ từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, nghiên cứu đề ra các giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm 2019 và các năm tiếp theo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tư pháp phối hợp với Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các cơ quan của Quốc hội tổ chức tiếp thu, hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

 

Nguyễn Hoàng

272 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1072
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1072
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87186651