|
Ứng dụng CNTT trong giao dịch, giải quyết TTHC với tổ chức, cá nhân được BHXH Việt Nam tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện. Ảnh: VGP/Thu Cúc |
BHXH Việt Nam vừa có báo cáo về Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước, công tác CCHC được ngành BHXH thực hiện bằng nhiều hình thức; thường xuyên rà soát, đơn giản hóa các quy trình, nghiệp vụ, giảm bớt thủ tục hành chính (TTHC) và thời gian chờ đợi của người dân; đồng thời truyền tải sâu rộng, công khai, minh bạch đến người dân trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.
Việc ứng dụng công nghệ thong tin (CNTT) trong các hoạt động nghiệp vụ của ngành cũng như trong giao dịch, giải quyết TTHC với tổ chức, cá nhân được BHXH Việt Nam tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện, được người dân, tổ chức đánh giá cao; giao dịch điện tử được triển khai trên tất cả các lĩnh vực như thu, cấp sổ BHXH, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), giải quyết các chế độ BHXH, BHYT và giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
BHXH Việt Nam đã tổ chức thực hiện thí điểm và triển khai diện rộng việc kê khai hồ sơ thu, nộp BHXH, BHYT qua mạng tại các tỉnh, thành phố với hơn 30.000 doanh nghiệp, góp phần giảm đáng kể thời gian và chi phí đi lại nộp hồ sơ và nhận kết quả cho doanh nghiệp trong quá trình giao dịch với cơ quan BHXH. Tính đến nay, hệ thống giao dịch điện tử của BHXH Việt Nam đã có 501.044 đơn vị đăng ký tham gia. BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp được 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; qua đó đã tiếp nhận gần 2,5 triệu hồ sơ giao dịch điện tử.
Đồng thời, trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã nỗ lực triển khai kế hoạch thực hiện việc đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Ước tính, trong 6 tháng đầu năm 2020, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ATM tại các vùng đô thị bình quân trên toàn quốc đạt 69% trên tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp; số người hưởng các chế độ BHXH một lần qua tài khoản ATM đạt 44% và số người hưởng lương hưu qua tài khoản ATM đạt 28%...
Với nhiều giải pháp đồng bộ, việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC của BHXH Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: giảm gần 90% số lượng TTHC, từ 263 thủ tục năm 2009 xuống còn 115 thủ tục (giai đoạn 2012-2014), 33 thủ tục (năm 2015), 32 thủ tục (năm 2016), 28 thủ tục (năm 2017), 27 thủ tục (năm 2019). Đến nay, cũng đã giảm 21,42% biểu mẫu, 39,2% tiêu thức; 8,11% quy trình, thao tác thực hiện và 19,7% thành phần hồ sơ.
Trong khi đó, theo Báo cáo Môi trường kinh doanh, liên tục trong nhiều năm, BHXH Việt Nam đã giảm số giờ nộp BHXH đối với doanh nghiệp, từ 335 giờ (năm 2015) xuống còn 273 giờ (năm 2016), 189 giờ (năm 2017), 147 giờ (năm 2018).
Về công tác xây dựng, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và quản lý các chương trình phần mềm ứng dụng trong toàn ngành, BHXH Việt Nam đã triển khai thành công mô hình tập trung dữ liệu sổ, thẻ cấp tỉnh làm cơ sở để hạn chế thẻ trùng, tiến tới tập trung dữ liệu về Trung ương; triển khai mã vạch 2 chiều trên thẻ BHYT, tạo ra bước đột phá về đơn giản hóa TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở khám chữa bệnh cũng như người dân đi khám chữa bệnh… Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin, kết nối dữ liệu giữa cơ quan BHXH với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan khác cũng được BHXH Việt Nam thực hiện đa chiều, đúng quy định...
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2030, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường cải cách, cắt giảm TTHC liên quan đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ gắn với ứng dụng CNTT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT; tích cực triển khai các giải pháp, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn phương thức giao dịch điện tử khi thực hiện các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan BHXH./.
Thu Cúc