Lễ tiếp nhận được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS Hoàng Đình Cầu (1917-2017). Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cùng tham gia chứng kiến.
Lễ bàn giao cổ vật của GS.Hoàng Đình Cầu. (KC)
Giáo sư, anh hùng lao động, nhà giáo nhân dân Hoàng Đình Cầu (1917-2005) quê ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Với mong muốn theo học một nghề tự do, có thể giúp cho người dân, năm 1937 chàng trai Hoàng Đình Cầu đã quyết định vào học trường Y khoa Đông Dương (nay là trường Đại học Y Hà Nội), sau đó học nội trú bệnh viện và tốt nghiệp y khoa năm 1944.
Trong kháng chiến chống Pháp, bác sĩ Hoàng Đình Cầu vừa tham gia công tác đào tạo, vừa phục vụ cứu chữa thương binh không chỉ ở bệnh viện mà còn ở các mặt trận. Năm 1955, bác sĩ Hoàng Đình Cầu được cử đi tu nghiệp về phẫu thuật phổi tại Liên Xô. Về nước năm 1958, ông bắt tay xây dựng Khoa phẫu thuật phổi đầu tiên ở miền Bắc và trở thành người sáng lập chuyên ngành Phẫu thuật phổi ở Việt Nam.
Tiếp nối sự nghiệp của GS Tôn Thất Tùng, GS Hoàng Đình Cầu trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả các chất hóa học dùng trong chiến tranh (1982-2000), cũng dành nhiều tâm huyết cho nghiên cứu về hậu quả lâu dài của chiến tranh hóa học, ảnh hưởng của chất độc da cam (dioxin) đối với hệ sinh thái và con người Việt Nam, kể cả nhiều năm sau chiến tranh, đề ra các biện pháp khắc phục phù hợp. Những công trình tiêu biểu như: Hậu quả các chất hóa học đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam từ 1961 đến 1971 (1999), Bản đồ băng rải chất diệt cỏ Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam từ 1962 đến 1971 (1999); tập kỷ yếu công trình Hậu quả các chất hóa học đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (2000)... GS Hoàng Đình Cầu là người sáng lập Làng Hòa bình ở Việt Nam năm 1991, với sự giúp đỡ của Làng Hòa bình quốc tế Oberhauzen, để chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho trẻ em khuyết tật bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin.
Ông còn là tác giả của trên 50 công trình nghiên cứu về nhiều vấn đề, tham gia biên soạn từ điển, tiêu biểu là Từ điển Y học Pháp - Việt xuất bản năm 1963, tái bản năm 1976 và cuốn Từ điển Y học Nga - Việt do nhà xuất bản Ngoại văn Moscova, Liên Xô xuất bản năm 1967, và Từ điển Bách khoa Việt Nam xuất bản 1995… Trong hơn 60 năm công tác, GS Hoàng Đình Cầu đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau như Thứ trưởng Bộ Y tế (1971-1989), kiêm Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội (1985-1989), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả các chất hóa học dùng trong chiến tranh (1982-2000), Chủ tịch Tổng hội Y - Dược học Việt Nam (1985-2000), Đại biểu Quốc hội khóa IX.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cho biết, trong bộ sưu tập tài liệu của GS Hoàng Đình Cầu được đón nhận hôm nay, có nhiều hiện vật đặc biệt ấn tượng, như bản đánh máy chữ màu tím trên giấy pơ-luya về việc Tiểu ban y học đề xuất với Trung ương cử ông đi học tập tại Liên Xô, ngày 2/8/1955. Trong thời gian 3 năm học tập tại Liên Xô (1955-1958), BS Hoàng Đình Cầu đã dành dụm tiền mua được trọn bộ Đại Từ điển bách khoa toàn thư y học (tiếng Nga), gồm 35 cuốn, mỗi cuốn hơn 1.000 trang, rồi mỗi lần gửi về Việt Nam, ông đều đánh số cẩn thận. Các cuốn từ điển đã được ông sử dụng trong suốt cuộc đời nghiên cứu của mình, có những chỗ ông dùng bút đỏ gạch chân hay dịch sang tiếng Việt bằng nét bút chì. Những tài liệu trên cho thấy ở ông một ý chí, một sự tâm huyết, miệt mài học tập, nghiên cứu. Thời kỳ học tập ở Liên Xô là tiền đề để sau này khi về nước ông bắt tay xây dựng Khoa phẫu thuật phổi đầu tiên ở miền Bắc và trở thành người sáng lập chuyên ngành Phẫu thuật phổi ở Việt Nam.
Đặc biệt, bộ sưu tập gồm hơn 600 tài liệu nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin ở người và môi trường trong hồ sơ của GS Hoàng Đình Cầu là một bộ sưu tập đặc biệt quý hiếm. Đó là những tập bản thảo thống kê tình hình các cựu chiến binh Việt Nam (trên địa bàn 26 xã) đã từng hoạt động ở Nam vĩ tuyến 17; thống kê tình hình dị tật; tài liệu về gia phả; thống kê dioxin trong mẫu (mẫu đất, lương thực thực phẩm, mẫu máu, mẫu gan thai nhi); các bản đồ, thư từ trao đổi, hồ sơ bệnh án của bệnh nhân bị dị tật; các tư liệu liên quan đến hội nghị, hội thảo về ảnh hưởng của chất da cam và những bài nghiên cứu GS Hoàng Đình Cầu về Dioxin như: Dioxin và tinh dịch, Dioxin tồn lưu trong thiên nhiên - cách tính toán nồng độ đất, các bệnh do dioxin gây nên…
Tại buổi lễ, gia đình GS. Hoàng Đình Cầu đã bàn giao cho Trung tâm Di sản Các nhà khoa học Việt Nam khối tư liệu đồ sộ với hơn 6.000 tài liệu, hiện vật của GS Hoàng Đình Cầu bao gồm nhiều loại hình: bản thảo công trình; bản thảo chuyên môn về phẫu thuật phổi; quản lý bệnh viện; bản thảo về y xã hội học về các vấn đề: dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe ban đầu, xây dựng trạm y tế cơ sở; bản thảo bài giảng; thư từ; sổ công tác; giấy tờ cá nhân; các văn bản hành chính; sách; ảnh tư liệu... phản ánh các mặt hoạt động khoa học, công tác quản lý của GS Hoàng Đình Cầu./.
KC