Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), thời gian qua đã có nhiều quan điểm tương đối mạnh mẽ và rõ nét về đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số. Có thể kể đến như: Nghị quyết Đại hội XIII; Nghị quyết 52- NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ về kế hoạch thực hiện NQ 52; các Chương trình, Chiến lược quốc gia cũng được Chính phủ phê duyệt. Như vậy, về mặt quan điểm, chủ trương và định hướng triển khai tại Việt Nam đã khá đầy đủ và cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt nhất lại vẫn là “nâng cao nhận thức” của một bộ phận doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về thực hiện chuyển đổi số.
|
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (Ảnh: MPI) |
Thay đổi tư duy, nhận thức trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc áp dụng công nghệ thông tin, mà thực chất đó là việc thay đổi hoàn toàn tư duy, nhận thức và cách thức mà một doanh nghiệp, hay một bộ máy vận hành. Do vậy, nhiều cơ quan quản lý cũng cần thay đổi nhận thức này để có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn, thay vì tập trung vào việc dùng công nghệ, ứng dụng gì thì nên hướng đến việc thay đổi quy trình như thế nào để áp dụng công nghệ được hiệu quả trong dài hạn.
Đối với doanh nghiệp, cũng cần có tầm nhìn dài hạn trong việc thực hiện chuyển đổi số. Dự án Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp USAID cũng đang triển khai tư vấn, định hướng cho 100 doanh nghiệp cách thức chuyển đổi số một cách hiệu quả, không chỉ dừng ở việc số hóa thông tin mà quan trọng hơn là xây dựng lại các quy trình vận hành để quản lý doanh nghiệp dựa trên việc khai thác, phân tích cơ sở dữ liệu.
Tại NIC, hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số NIC đang triển khai tập trung nhiều vào việc đào tạo, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người lao động trẻ. NIC đã phối hợp với Google, một số hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam để đào tạo các nội dung chuyển đổi số phù hợp thực tiễn quốc tế cho doanh nghiệp. NIC cũng phối hợp với Siemens và Hitachi để xây dựng Trung tâm trải nghiệp số tại Trụ sở hoạt động ở Cầu Giấy (Hà Nội) để giới thiệu những công nghệ mới, tiên tiến của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế. Các doanh nghiệp sẽ được đào tạo kiến thức và quan trọng là được trải nghiệm, thực hành để hiểu đầy đủ hơn về quá trình chuyển đổi số trước khi áp dụng tại chính doanh nghiệp của mình.
Hiện nay, nhiệm vụ của NIC là thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo lấy trọng tâm là doanh nghiệp. Các lĩnh vực được tư vấn quốc tế đề xuất cần chú trọng là: Sản xuất thông minh, Thành phố thông minh, An ninh mạng, Truyền thông số, Công nghệ nông nghiệp và môi trường. Tất cả các lĩnh vực này đều đòi hỏi hạ tầng kết nối hiện đại, ổn định, tốc độ cao. Do đó, việc phát triển hệ sinh thái 5G hiện đại, đồng bộ với các chuẩn quốc tế sẽ là một hạ tầng kết nối hết sức quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất có thể thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả, tối ưu và phù hợp thực tiễn quốc tế. Các nhà máy, phân xưởng của Việt Nam có thể kết nối nhanh, ổn định hơn với nhau hoặc với các nhà máy khác trên thế giới và sử dụng cùng công nghệ, ứng dụng hay thiết bị 5G.
Điều này hết sức có ý nghĩa và phù hợp với quan điểm chiến lược Việt Nam đã đưa ra trong bối cảnh phải tận dụng tối đa cơ hội của cách mạng công nghệ 4.0. Đó là “đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”.
Việt Nam có nhiều lợi thế đế phát triển hệ sinh thái 5G
|
Việt Nam đang có những lợi thế nhất định trong việc phát triển hệ sinh thái 5G (Ảnh: PV) |
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Vũ Quốc Huy tin rằng Việt Nam đang có những lợi thế nhất định trong việc phát triển hệ sinh thái 5G và điều quan trọng là các chủ thể quan trọng của hệ sinh thái đã bước đầu kết nối, trao đổi, liên kết để chia sẻ các nguồn lực hiện có.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Nhờ sự lan tỏa của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn cầu, việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội đang có những bước tiến mạnh mẽ tại Việt Nam. Tiến trình chuyển đổi số nền kinh tế được xác định là một trong những trụ cột quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động, tạo ra không gian phát triển mới và mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển nhưng chỉ mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số.
Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu kép của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Theo định hướng phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, dự kiến kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP của Việt Nam vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, với tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực tương ứng đạt tối thiểu 10% và 20%. Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân.
Nếu như chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột chính là con người, quy trình và công cụ, thì 5G được coi là một công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất, giáo dục, y tế, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, năng lượng đến thương mại dịch vụ. Nhiều mô hình kinh doanh, thậm chí là những ngành và dịch vụ hoàn toàn mới đang xuất hiện, thay thế cho những mô hình truyền thống nhờ sự hỗ trợ của công nghệ mới. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, 5G sẽ là nhân tố tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, ước tính tạo ra 13.1 ngàn tỷ USD và 2 triệu việc làm mới vào năm 2035.
Vậy là, với những nền tảng thuận lợi cả về hành lang pháp lý đang dần được hoàn thiện và nhận thức của ngày càng nhiều doanh nghiệp cũng như người dân về tính thiết yếu của chuyển đổi số, 5G có tiềm năng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trong những năm tới, trở thành nền tảng cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng. Vậy đâu là những cơ hội cho các ngành kinh tế của Việt Nam khi 5G được thương mại hóa sau giai đoạn thử nghiệm, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang vừa là thủ phạm gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội thời gian qua, nhưng cũng là tác nhân thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (ĐMSTQG), gọi tắt là NIC, được thành lập từ năm 2019 tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Việt Nam. Trung tâm được hưởng các cơ chế ưu đãi đặc thù quy định tại Nghị định số 94 năm 2020 với những cơ chế hỗ trợ dành cho cá nhân, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động tại Trung tâm. Đây là đơn vị đang thực hiện các hoạt động hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp, cá nhân có các hoạt động đổi mới sáng tạo, bao gồm cả việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ mới, tiên tiến, hoặc đưa ra các mô hình kinh doanh, quy trình sản xuất cải tiến hơn, đem lại giá trị cao cho doanh nghiệp. Đối với những đối tác lớn, Trung tâm hiện đang triển khai xây dựng cơ sở hoạt động 35 nghìn m2 tại Hòa Lạc (Hà Nội) . Đây sẽ là nơi cung cấp không gian làm việc, các phòng nghiên cứu, thử nghiệm, các khu chức năng cho doanh nghiệp. Đây sẽ là một hệ sinh thái nhỏ để các doanh nghiệp có thể kết nối, hợp tác cùng nghiên cứu, sản xuất với sự hỗ trợ của NIC. Do đó, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái 5G hoàn toàn có thể cân nhắc việc hoạt động tại NIC cơ sở ở Hà Nội và Hòa Lạc. |