Dù đã được nghe nhiều về những chiến công oanh liệt của các Anh hùng liệt sỹ, nhưng khi đặt chân lên những địa danh lịch sử, một cảm xúc tự hào, xúc động mãnh liệt trào dâng với từng thành viên, để rồi chẳng ai cầm được nước mắt.
Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội dâng hương tưởng nhớ anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ
Truyền thống và hiện tại
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn nằm giữa mênh mông núi rừng hùng vĩ. Trên những quả đồi trùng điệp liền kề nhau ấy có hàng nghìn ngôi mộ của những người lính, những thanh niên xung phong yên nghỉ. Lẫn trong đoàn công tác của CATP Hà Nội đang chia nhau tỏa đi thắp nhang cho các ngôi mộ, Trung tá Bùi Văn Tâm, cán bộ CAH Chương Mỹ cũng chăm chú xem từng dòng tên tuổi, địa chỉ liệt sỹ khắc trên các tấm bia. Ngày ấy, khi anh vừa tròn 3 tuổi thì cha đã khoác ba lô lên đường đánh Mỹ. Ba năm sau ông anh dũng hy sinh, nhưng phải mãi tới tận năm 1978 gia đình mới nhận được giấy báo tử.
Những ngày còn khỏe mạnh, mẹ anh và gia đình đi khắp nơi tìm kiếm phần mộ của cha nhưng không có kết quả. Trung tá Bùi Văn Tâm cũng chẳng nhớ mình đã đi biết bao nhiêu nghĩa trang liệt sỹ dọc núi rừng Trường Sơn, anh bảo: “Tôi chỉ có một ước nguyện duy nhất, đó là tìm thấy phần mộ của cha mình. Ông cũng như bao nhiêu anh hùng liệt sỹ khác đã hiến dâng những năm tháng đẹp nhất của tuổi thanh xuân cho Tổ quốc để những thế hệ như chúng tôi được sống trong tự do, hạnh phúc”.
Là thương binh, Thiếu tá Tạ Trọng Bình, cán bộ CAP Nghĩa Đô (CAQ Cầu Giấy) cũng được vinh dự tham gia đoàn công tác về nguồn, tri ân các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia đường 9... Chứng kiến những thân nhân các liệt sỹ đi từng hàng mộ tìm kiếm thông tin về cha, ông của họ giữa bạt ngàn núi rừng hùng vĩ, Thiếu tá Tạ Trọng Bình không khỏi xúc động. Vết thương trên người dù đã lành, nhưng mỗi khi trở trời nó vẫn hành hạ người lính. “So với các hy sinh mất mát mà các anh hùng liệt sỹ, gia đình thân nhân các liệt sỹ đã phải trải qua thì quả thật, những đóng góp của chúng tôi là nhỏ bé đến nhường nào” - Thiếu tá Tạ Trọng Bình tâm sự.
Các gương mặt thanh niên tiêu biểu CATP Hà Nội thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn
Ghi mãi những chiến công
Ngoài thân nhân các liệt sỹ và các đồng chí thương binh của CATP Hà Nội, trong đoàn công tác tri ân lần này còn có 10 gương mặt trẻ tiêu biểu CATP năm 2018. Dù đơn vị khác nhau, nhưng tất cả 10 gương mặt trẻ này đều có một điểm chung, đó là cống hiến sức trẻ, sáng tạo, mưu trí lập nên những thành tích, chiến công xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ, giữ gìn ANTT cho Thủ đô bình yên.
Khi đứng trước phần mộ các liệt sỹ, những gương mặt trẻ ấy đã thật sự “ngợp” trong cảm giác xúc động, linh thiêng. Và khi lặng lẽ bước trên từng viên gạch trong thành cổ Quảng Trị, cảm xúc tự hào trào dâng trong mỗi thành viên. “Đây là chuyến đi có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của tôi. Đi để nhắc nhở bản thân về tinh thần học tập, phấn đấu, noi gương các thế hệ cha anh - những người đã hy sinh thân mình cho cuộc sống của nhân dân, của đất nước được bình yên ngày hôm nay” - Đại úy Lê Văn Tiến, cán bộ Đội CSGT số 12 (Phòng CSGT) xúc động nói.
Đứng trên Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trong Thành cổ Quảng Trị, Thượng tá Hoàng Ngọc Quyết, Phó trưởng CAQ Ba Đình không giấu được niềm xúc động đang dâng trào. Là thương binh và đã từng không ít lần đến với mảnh đất Quảng Trị, song mỗi khi đặt chân lên Thành cổ ông vẫn luôn có cảm giác bồi hồi. “Đó là sự tự hào xen lẫn xúc động, khâm phục trước ý chí, bản lĩnh của thế hệ cha anh năm xưa. Đứng trước những chiến công vĩ đại ấy mới thấy những gì chúng ta làm được ngày hôm nay vẫn còn quá nhỏ. Vì vậy, từ cấp chỉ huy cho đến CBCS trẻ đều cần phải nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với những gì mà mình đang được nhận” - Thượng tá Hoàng Ngọc Quyết nói.
Ở giữa tuyến đường 20 Quyết thắng nối vào huyết mạch đường Trường Sơn có một địa danh mà tất cả những người dân đất Việt xúc động khi nhắc tới, đó là hang Tám Cô. Câu chuyện về 10 thanh niên xung phong và 5 liệt sỹ pháo binh đã anh dũng hy sinh trong trận bom B52 đã trở thành huyền thoại. Những năm chiến tranh ác liệt, rừng cây đã lấp dần miệng hang. Phải đến hơn 20 năm sau, hài cốt của các anh, các chị mới được đưa ra ngoài.
Giữa dòng sông Thạch Hãn, từng ngọn hoa đăng được các thành viên trong đoàn công tác thả xuống sông cùng với những cánh hoa hồng, hoa cúc trắng tinh khôi. Dòng sông bao đời nay vẫn rì rào khúc hát ru, ôm trọn dáng hình của những người con ưu tú nhất trong lòng. Như một điều trùng hợp đến linh thiêng, những ngọn hoa đăng theo từng lớp sóng tạo thành hình bản đồ Việt Nam rực sáng. Trong nỗi xúc động trào dâng ấy, khe khẽ lời thơ của thành viên nào đó trong đoàn.
Đoàn công tác của CATP Hà Nội dâng hoa, tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Thành cổ Quảng Trị
Mẹ ơi!
Đêm nay chúng con vượt sông
Nơi thành cổ đồng đội con đang chiến đấu
Cũng chẳng biết sáng mai ai còn ai mất
Chỉ biết rằng Tổ quốc vẫy gọi thôi…
Hoàng Phong