Chuyện đùa?
Một ngày tháng 11, ông Đào Văn Lưu (84 tuổi), trú tại thôn Cam Phú 1, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị tìm gặp chúng tôi với thái độ nghiêm trọng. Ông nói muốn kêu cứu về một sự việc kéo dài, xâm hại nặng nề đến lợi ích Nhà nước và nhân dân.
Không vòng vo, ông Đào Văn Lưu đi thẳng vào câu chuyện. Giọng bức xúc, ông cho biết được Nhà nước, cụ thể là Công ty Lâm nghiệp Đường 9 hợp đồng tham gia chăm sóc và bảo vệ rừng tại tiểu khu rừng phòng hộ 775 đã hơn 10 năm nay và được hưởng lợi từ công việc cắt tỉa, chăm sóc rừng.
|
- Trạm kiểm lâm địa bàn Tân Lâm ngay trước mặt tiểu khu rừng 775 (ảnh PXD)
|
Gần đây, tại khu vực này xuất hiện nhiều nhóm người ngang nhiên chặt phá rừng thông vào giữa ban ngày. Ông Lưu đã ngăn cản nhưng gần như vô hiệu. Hễ ông đến là họ lại tránh đi. Hỏi họ không nói, mặt mũi lại bịt kín.
Lấy cớ phát bụi cho bò ăn, nhưng nhiều cây thông đã bị họ chặt hạ rồi trồng mới. Ông than: “Vì có tin Nhà nước cho Công ty Lâm nghiệp Đường 9 chuyển diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất rồi giao lại cho địa phương quản lý nên nhiều người chụp giật, kiếm lợi trong đoạn giao thời này. Phải gọi đây là hành vi cướp rừng. Tôi đã báo cho kiểm lâm, chính quyền cơ sở nhưng không ăn thua, mọi chuyện vẫn tiếp diễn”.
Công ty Lâm nghiệp Đường 9 (tiền thân là Lâm trường Đường 9) được thành lập năm 1974 thuộc Tổng cục Lâm nghiệp. Năm 2007, công ty đổi tên thành Công ty Lâm nghiệp Đường 9, được giao quản lý, sử dụng hơn 7.600 ha rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong đó ở địa bàn huyện Cam Lộ là hơn 4.000 ha.
Ngay sau cuộc gặp với ông Đào Văn Lưu, mặc dù trời mưa gió, chúng tôi vẫn tìm đến tiểu khu rừng phòng hộ 775. Tại đây, nhiều cây thông bị chặt tận gốc, vết chặt còn tươi rói. Thông bị chặt ngắt quãng theo kiểu da báo nên không xóa sạch rừng trên một diện tích lớn. Nhiều dấu vết chứng tỏ có người đã phát quang để trồng mới.
Trạm kiểm lâm Tân Lâm thuộc Hạt kiểm lâm huyện Cam Lộ cách đó không xa cổng đóng im lìm. Bảo vệ của Công ty Lâm nghiệp Đường 9 cũng không thấy đâu dù vẫn được tiếng canh giữ rừngcả ngày lẫn đêm.
Chúng tôi báo tin cho ông Hoàng Ngọc Tiến, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Cam Lộ về tình trạng rừng ở tiểu khu 775 bị tàn phá và được hứa sẽ cho kiểm tra.
Bản thân ông Lưu sau khi báo cáo với chính quyền xã Cam Thành đã nhận được công văn của ông Đoàn Văn Được, Chủ tịch UBND xã (vào ngày 6/9/2018) với chỉ đạo: “Đề nghị ông Lưu lập danh sách các hộ phá rừng thông nộp cho UBND xã”.
Ông Lưu ngao ngán kể thêm rằng, có vị đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật còn bảo ông cố gắng theo dõi những kẻ phá rừng rồi báo cơ quan chức năng để họ bí mật tới vây bắt?
Chuyện nghe như đùa!
|
- Vật dụng đem theo của những người phá rừng tại địa bàn huyện Cam Lộ (ảnh PXD)
|
Mất rừng, mất đất
Công ty Lâm nghiệp Đường 9 (DN 100% vốn Nhà nước - tiền thân là Lâm trường Đường 9) được Nhà nước giao quản lý 7.000 ha rừng, riêng ở huyện Cam Lộ có 4.000 ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ, trong đó có tiểu khu rừng phòng hộ 775.
Rộng hơn 175 ha, thuộc địa bàn thôn Thượng Lâm, xã miền núi Cam Thành, tiểu khu 775 có vị trí cực kỳ đắc địa. Rừng chạy dọc theo sát Quốc lộ 9, trên đường Xuyên Á, lại không xa sông Hiếu nên người có nhu cầu vào rừng không gặp bất kì trở ngại nào.
Ông Lưu cho hay, lúc đầu người dân chấp hành khá nghiêm túc việc giữ và bảo vệ rừng. Nhưng về sau thấy cảnh phá rừng ngang nhiên mà không bị xử lý nên họ cũng làm theo. Vậy là mạnh ai nấy phá. Tuy vậy, chỉ những người thực sự bạo gan hay có ai “chống lưng” mới có thể làm càn. Đương nhiên, đây là quá trình diễn ra trong thời gian dài.
Bức xúc trước tình trạng phá rừng, chiếm đất rầm rộ và liên tục, ông Lưu đã nhiều lần báo cho bảo vệ Công ty Lâm nghiệp Đường 9, cơ quan chức năng để ngăn chặn, bắt giữ và xử lý người vi phạm. Nhờ những tin báo của ông, trong nhiều năm qua, 22 biên bản về tình trạng phá rừng phòng hộ 775 được lập nhưng rồi... để đó.
|
- Xe vào tận giữa rừng chở gỗ rừng trồng
|
Ông Lưu nhẩm tính, tiểu khu này đã thất thoát đến 90 ha rừng (và kèm theo đó là đất rừng) nhưng cơ quan chức năng chỉ thừa nhận chưa đến 65 ha.
Đến thời điểm này, diện tích rừng bị mất vẫn không ngừng tăng lên. Tính đến tháng 11/2018, tiểu khu rừng 775 mất thêm 18 ha rừng, chưa kể 8 ha rừng đã trồng theo tính toán cập nhật của ông lão 84 tuổi và rất có thể con số này chưa dừng lại ở đây.
Theo điều tra của Báo GD&TĐ, tại tiểu khu 775, ít nhất gần 40 người với tên, địa chỉ cụ thể đã chiếm hữu khoảng 70 ha rừng. Đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, còn lại là diện tích chưa thể thống kê đầy đủ.
Chính ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị trong một văn bản trả lời Thanh tra tỉnh (ngày 8/5/2017) cũng xác nhận: “Qua kiểm tra thực tế thì việc xâm lấn rừng, với diện tích và đối tượng tham gia phá rừng theo phản ánh của ông Đào Văn Lưu tại tiểu khu 775 đã giao cho ông bảo vệ là có thật”.
Ông Lưu tiếp tục có đơn thư cũng như gặp gỡ người có trách nhiệm của tỉnh Quảng Trị đề nghị xử lý nghiêm hành vi phá rừng. Chính quyền tỉnh cũng đã làm việc với ông Lưu nhưng không thấy xử lý những sai phạm.
Cơ quan công quyền với bộ máy hùng hậu bao gồm nhiều ngành, đơn vị không tỏ ra nghiêm minh trong việc bảo vệ rừng, trong khi một ông lão đã ở quá tuổi “gần đất xa trời” lọ mọ ngày đêm gìn giữ những cánh rừng. Nghịch lý ấy vẫn đang tồn tại trong lúc rừng ở Quảng Trị vẫn tiếp tục bị tàn phá.