TIẾN TỚI XÂY DỰNG THÀNH PHỐ ĐÔNG HÀ TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ THÔNG MINH VÀO NĂM 2030 

Đô thị thông minh là một khái niệm mới, tuy nhiên có thể thống nhất những nội dung chính như sau: “Đó là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố với người dân và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội”. Xây dựng và phát triển đô thị thông minh là 1 xu hướng tất yếu trên thế giới. Khi nói đến mục đích của xu hướng này, chúng ta nói đến nhiều lợi ích như phát triển bền vững, quản lý hiệu quả, hay đơn giản là tạo ra một thành phố hiện đại, tiện nghi và đáng sống.

Thời gian qua, xác định vai trò quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý Nhà nước, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thành phố Đông Hà đã tập trung triển khai và ban hành nhiều chủ trương chính sách đầu tư cho việc ứng dụng CNTT gắn với công tác xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh thành phố Đông Hà đến nay đã đạt những kết quả khá cao, hạ tầng nền tảng chính quyền điện tử cơ bản được xây dựng, công nghệ thông tin được ứng dụng thường xuyên, hiệu quả. Hạ tầng viễn thông, internet ngày càng được hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số; internet băng thông rộng đã được triển khai, lắp đặt tại 09 phường. Đã đầu tư hệ thống họp, hội nghị trực tuyến của thành phố,chuẩn bị đầu tư phòng họp không giấy tờ. Đặc biệt, thành phố đã triển khai xây dựng và cho đi vào hoạt động Trung tâm điều hành đô thị thông minh với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển Trung tâm, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về thành phố trên mọi lĩnh vực. Trung tâm bao gồm các phân hệ quản lý quan trọng: Hệ thống báo cáo thông tin kinh tế xã hội, dữ liệu hành chính công, phần mềm quản lý giáo dục, y tế, quản lý lưu trú du lịch thông minh nhằm hỗ trợ cho chính quyền thành phố trong công tác theo dõi, chỉ đạo điều hành hoạt động của thành phố.

Tuy nhiên, để xây dựng đô thị thông minh, đảm bảo tính đồng bộ bền vững, lâu dài và hiện đại, cần phải triển khai các dự án thành phần quan trọng như: Xây dựng chính quyền điện tử, trật tự đô thị, phản ánh hiện trường, quản lý đô thị bằng hình ảnh bằng hệ thống camera sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), quản lý hệ thống chiếu sáng thông minh, quản lý quy hoạch, tích hợp các dự án thành phần do tỉnh thực hiện như: quản lý quy hoạch, thu gom và xử lý chất thải, quản lý nông nghiệp, cảnh báo lũ lụt thông minh… Chính vì vậy, công tác triển khai xây dựng đô thị thông minh gặp phải nhiều khó khăn như: kinh phí lớn; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa được xây dựng trên mô hình kiến trúc tổng thể về chính quyền điện tử cấp tỉnh, chưa liên thông về cơ sở dữ liệu nên việc trao đổi, chia sẻ, tổng hợp khai thác dữ liệu, hiệu quả chưa cao; công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức; một số ứng dụng, phần mềm triển khai theo ngành dọc Trung ương, các sở nên khó sử dụng, gây khó khăn cho công tác tích hợp dữ liệu…

Để xây dựng thành phố Đông Hà trở thành một đô thị thông minh nhằm ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo bước đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp; Cung cấp các dịch vụ công và dịch vụ tiện ích chất lượng và kịp thời phục vụ người dân và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cần có những mục tiêu và giải pháp cụ thể, đó là:

- Tập trung chỉ đạo xây dựng Đông Hà cơ bản đạt các tiêu chí đô thị thông minh vào năm 2025, trong đó lựa chọn các dự án thành phần đô thị thông minh của thành phố phấn đấu đạt 6 đến 7 lớp dịch vụ thông minh theo Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0) tại Quyết định số 829/QĐ-BTTTT ngày 31/5/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông góp phần hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước của thành phố Đông Hà và phục vụ dịch vụ tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

- Mục tiêu giai đoạn 2021-2023 là xây dựng Trung tâm điều hành thông minh IOC (thiết lập bộ máy hoạt động của Trung tâm, ban hành cơ chế vận hành, thiết lập phần mềm lõi, máy chủ), trong đó, tích hợp đầy đủ thông tin của thành phố Đông Hà tại các dịch vụ được cung cấp ở Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh (IOC tỉnh) gồm: Dự án thành phần xây dựng đô thị thông minh của tỉnh và thành phố đã và đang triển khai: Hệ thống cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội phục vụ công tác điều hành chỉ đạo;giám sát hành chính công, quy hoạch, quản lý công chức viên chức, giáo dục, y tế; hộ tịch, lưu trú du lịch; giám sát an ninh trật tự (hệ thống camera an ninh,...); Tích hợp dữ liệu tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân;Hệ thống quan trắc nước thải.

Thực hiện các dự án thành phần dịch vụ quản lý thông minh tích hợp lên IOC gồm: Tích hợp hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội (LRIS); Giám sát dịch vụ hành chính công thành phố và các phường; Xây dựng chính quyền điện tử (Xây dựng hệ thống phòng họp trực tuyến từ thành phố đến cơ sở; tổ chức Kỳ họp Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố bằng hệ thống phòng họp không giấy tờ; Đảm bảo an toàn bảo mật thông tin; Giải pháp lắng nghe công dân mạng xã hội - VNSocial (Thu thập thông tin từ mạng xã hội Facebook, Youtube. Phân loại, phân tích dữ liệu, đánh giá xếp hạng theo từ khóa quan tâm). Phản ánh hiện trường thông minh (an ninh trật tự,an toàn giao thông, quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường...). Hệ thống giám sát quản lý đô thị thông minh bằng hình ảnh (sử dụng Camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo (10 điểm Camera AI) quản lý về an ninh trật tự, trật tự đô thị, hạ tầng đô thị, môi trường, giao thông các tuyến phố chính. Giám sát an ninh trật tự thông minh (hệ thống Camera an ninh, tỉnh, thành phố và các phường...). Kết nối dữ liệu hệ thống quan trắc môi trường của tỉnh với IOC thành phố. Kết nối dữ liệu hệ thống thông tin đất đai và thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh. Xây dựng hệ thống cảnh báo lũ lụt thiên tai thông minh. Tích hợp Hệ thống quan trắc nước thải đặt tại khu vực đô thị của tỉnh. Kết nối dữ liệu hệ thống thu gom và xử lý rác thải thông minh của tỉnh với IOC thành phố.

- Mục tiêu giai đoạn 2023-2025 là duy trì và nâng cao chất lượng các dự án thành phần đã triển khai giai đoạn 2021-2023.

Nghiên cứu triển khai các dự án thành phần: Quản lý cấp phép xây dựng, giám sát, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thanh tra xây dựng thông minh;Kết nối dữ liệu quản lý hộ tịch thông minh; Thử nghiệm điều hành hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông thông minh; Thực hiện thử nghiệm 01 tuyến giám sát chiếu sáng thông minh tại đường Hùng Vương.

Đầu tư mô hình quản lý nông nghiệp thông minh cho các hộ dân thuộc Tổ hợp tác xã Hoa An Lạc phường Đông Giang và mô hình rau sạch cho các hộ dân thuộc Tổ hợp tác xã phường Đông Thanh.

- Mục tiêu định hướng đến năm 2030 là đẩy mạnh xây dựng các ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực đã triển khai giai đoạn 2021-2025 và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị thông minh đảm bảo triển khai ứng dụng thông minh trên tất cả các lĩnh vực. Mở rộng hệ thống camera giám sát trên phạm vi rộng phục vụ công tác giám sát an ninh giao thông, an ninh trật tự và nắm bắt thông tin phản ánh hiện trường trong phạm vi toàn thành phố. Triển khai và phát triển lĩnh vực Du lịch - lưu trú, mở rộng thêm các lĩnh vực khác trong quản lý đô thị thông minh.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc xây dựng đô thị thông minh thành phố. Tập trung phổ biến, tuyên truyền và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp về lợi ích trong việc tham gia và sử dụng các dịch vụ đô thị thông minh.Qua đó, thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp tham gia vào dịch vụ của đô thị thông minh, góp phần cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội thành phố.Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Chính phủ và của tỉnh trong việc khuyến khích các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp thực hiện các giao dịch điện tử, khai thác và sử dụng các dịch vụ thông minh, dịch vụ công trực tuyến của thành phố.

- Xây dựng, ban hành các quy chế, quy định đồng bộ, thống nhất đối với việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của chính quyền điện tử, đô thị thông minh; đảm bảo an toàn, an ninh mạng và xử lý, khắc phục sự cố trong xây dựng, vận hành, khai thác hệ thống theo quy định.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng mô hình đô thị thông minh.Kết hợp hài hòa giữa phương thức đầu tư và phương thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong quá trình triển khai mô hình đô thị thông minh nhằm giảm thiểu kinh phí đầu tư ban đầu và nhân lực quản lý vận hành.Trên cơ sở Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã được HĐND thành phố thông qua, tiến hành lựa chọn hạng mục đầu tư ưu tiên và cân đối nguồn lực để bố trí theo từng năm phù hợp; đồng thời phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh kêu gọi nguồn lực để triển khai thực hiện.

- Rà soát, lựa chọn đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo cơ bản chuyên ngành công nghệ thông tin có kinh nghiệm để sắp xếp bố trí công tác tạm thời tại Bộ phận Trung tâm Điều hành đô thị thông minh.Đồng thời,đề xuất với cấp có thẩm quyền để xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Điều hành đô thị thông minh vàbố trí nguồn nhân lực đảm bảo hoạt động hiệu quả.Xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức để phụ trách ứng dụng CNTT và các dịch vụ của đô thị thông minh.

- Xây dựng các phương pháp đánh giá về ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông phù hợp điều kiện thực tế tại các cơ quan, đơn vị thành phố. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong xây dựng, duy trì, vận hành hoạt động của các hệ thống thông minh để có những giải pháp thúc đẩy kịp thời.

Xây dựng thành phố Đông Hà trở thành đô thị thông minh là chiến lược phát triển lâu dài, vì vậy phải có kế hoạch, lộ trình cho từng giai đoạn, với những chính sách cụ thể về nguồn lực. Quyết định đặt những viên gạch đầu tiên trong việc xây dựng một thành phố thông minh sẽ là một thách thức không hề nhỏ và kèm theo đó là rất nhiều những khó khăn. Ngay cả khi lãnh đạo thành phố có thiện chí và quyết tâm cũng có thể bị choáng ngợp bởi quy mô, phạm vi và tính mới nó. Những công nghệ được áp dụng, hạ tầng kết nối và kiến thức cần thiết trong việc phát triển thành phố thông minh đều là những điều mới mẻ. Bước đầu tiên vô cùng quan trọng là hình dung lại vai trò của lãnh đạo thành phố. Họ nên coi bản thân mình trước hết là người quản lý sự hài lòng của người dân. Một khi họ thay đổi suy nghĩ và hành động phù hợp, thành phố Đông Hà sẽ sẵn sàng trên con đường hướng tới cải thiện an sinh, hạnh phúc và kinh tế. Lê Trang

 

1200 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1008
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1008
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76792981