Tiến tới thay thế túi nilon khó phân hủy 

(Chinhphu.vn) - Không thể phủ nhận túi nilon ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Tuy nhiên, đặc tính bền, khó phân hủy của túi nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và các loài động thực vật.
Tiến tới thay thế túi nilon khó phân hủy - Ảnh 1.

Người tiêu dùng mua rau bao bọc bằng túi nilon tự hủy tại siêu thị. Ảnh: VGP/HN

Trước nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường, thời gian qua, nhiều văn bản pháp lý của nhà nước đã được ban hành ở các cấp độ khác nhau.

Cụ thể, tại Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa, Chính phủ đã đặt ra đặt mục tiêu đến năm 2025 sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; bảo đảm thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.

Với tầm quan trọng trên, nhiều ý kiến cho rằng việc hỗ trợ các nhà bán lẻ tìm ra các giải pháp giảm thiểu tiêu thụ túi nylon trong bối cảnh hiện này là rất cần thiết. Ngay tại hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội, nhiều siêu thị cũng đã tích cực triển khai giảm thiểu túi nilon khó phân hủy thay thế bằng 100% túi tự hủy sinh học và lá chuối, nhưng số lượng sản phẩm gói bằng lá chuối, túi tự hủy vẫn khiêm tốn so với lượng hàng hóa đang bày bán.

Lý giải về sử dụng túi nilon khó phân hủy có nguy cơ lại tái diễn như cũ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc người tiêu dùng ngại sử dụng những sản phẩm làm từ chất liệu tự nhiên bởi chúng có giá cao hơn sản phẩm nhựa. Tại siêu thị, 10 chiếc cốc giấy an toàn dùng 1 lần có giá 20.000 đồng, nhưng 10 chiếc cốc giấy có tráng màng PE dùng nhiều lần chỉ 9.000 đồng/chục. Đó là nguyên nhân khiến người tiêu dùng và các tiểu thương không mặn mà sử dụng túi nilon sinh học tự hủy.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, túi nilon và các sản phẩm nhựa có ưu điểm giá thành rẻ, tiện lợi, sử dụng trong nhiều lĩnh vực... nên người tiêu dùng vẫn giữ thói quen sử dụng khi mua sắm. Hiện, giá túi nilon chỉ từ 30.000-45.000 đồng/kg, trong khi túi nilon tự hủy do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có giá lên đến từ 60.000-90.000 đồng/kg, sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu 110.000 đồng/cuộn, cao gấp 2-3 lần so với túi nilon đang bán trên thị trường.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp, Sở sẽ tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; nghiên cứu cơ chế chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy.

Xuất phát từ mục đích giảm tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần tại các nhà bán lẻ, từ giữa năm 2021, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng Sở Công Thương Hà Nội đã kêu gọi các doanh nghiệp ký cam kết tham gia "Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi nylon." Theo đó đã có 16 nhà bán lẻ đã đăng ký tham gia liên minh, các nhà bán lẻ cam kết cùng nhau thực hiện các hoạt động nhằm giảm túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm thay thế túi nilon khó phân huỷ cung cấp cho khách hàng bằng các loại túi thân thiện với môi trường; thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm khuyến khích khách hàng giảm thiểu, tiến tới không sử dụng túi nilon dùng một lần…

Việc thành lập liên minh kêu gọi các nhà bán lẻ hạn chế dùng túi nilon là việc làm cần thiết, tuy nhiên bên cạnh đó cần có những cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đồng thời thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Đại diện Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, là thành viên của Liên minh các nhà bán lẻ giảm tiêu thụ túi nilon, hiện tất cả các siêu thị của Central Retail đã không còn kinh doanh các loại nhựa sử dụng một lần như ống hút nhựa.

Thay vào đó, các siêu thị của Central Retail đã triển khai thí điểm sử dụng túi nilon phân hủy sinh học làm từ bột ngô và khoai tây; áp dụng kinh doanh các sản phẩm rau bọc lá chuối - thân thiện môi trường, để giúp khách hàng đồng hành cùng siêu thị trong bảo vệ môi trường, các sản phẩm rau như cần tây, rau thơm…

Mới đây, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND về công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương Hà Nội đến năm 2025. Theo đó, đến năm 2025, 70% - 90% nguồn thải trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và ban hành chính sách, quy định kiểm soát. 100% các doanh nghiệp ngành Công Thương được tập huấn và phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường.

Việc sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt được đẩy mạnh, tiến tới thay thế túi nilon khó phân hủy. Xác định nguy cơ và đề xuất các chính sách bảo vệ môi trường đối với các dự án năng lượng (như rác thải điện tử, điện gió, điện mặt trời) và một số lĩnh vực khác theo kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp. 100% các cụm công nghiệp (đang hoạt động và xây mới) có trạm xử lý nước thải…

Thực hiện kế hoạch, Sở Công Thương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai giải pháp chống rác thải nhựa, có chương trình khuyến khích tiểu thương và nhân dân sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường…

Diệu Anh

101 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 941
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 941
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87135735