Tiến tới quản lý nguồn nước trên nền tảng công nghệ số 

(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định quan điểm nước là hàng hóa, tài sản quý giá của đất nước, cần được bảo vệ, điều tiết, sử dụng hài hòa, hợp lý. Do vậy, cần hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để phân bổ, đảm bảo an ninh nguồn nước; đồng thời tiến tới quản lý nguồn nước trên nền tảng công nghệ số.

 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh (đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang) phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ chiều 5/6. Ảnh: QH 

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều ngày 5/6, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Bổ sung về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 83 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 9 điều; sửa đổi, bổ sung 59 điều; bổ sung mới 15 điều) và bãi bỏ 13 điều.

Qua thảo luận tại Tổ, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với sự cần thiết của dự án luật, đánh giá hồ sơ dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu tác động, các cơ quan quản lý có liên quan; tham khảo pháp luật và kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước; tiếp thu nghiêm túc nhiều ý kiến thẩm tra, góp ý.

Các đại biểu cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính khả thi.

Theo đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh), việc xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là cần thiết để góp phần đảm bảo các quy định phù hợp với thực tế, giúp bảo vệ nguồn nước, nguồn sinh thủy để để phục vụ cho cuộc sống của người dân; quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm cũng như các chế tài xử lý các hành vi vi phạm để làm cơ sở cho việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và bảo vệ được nguồn tài nguyên nước…

Đi vào nội dung cụ thể, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết bày tỏ băn khoăn với việc sử dụng cụm từ “số lượng và chất lượng nước” trong dự thảo Luật. Theo đại biểu, mặc dù Luật hiện hành cũng quy định sử dụng cụm từ “số lượng và chất lượng nước”, tuy nhiên đại biểu cho rằng, nước không đếm được số lượng vì vậy nên thay bằng cụm từ “khối lượng và chất lượng” sẽ phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ thống nhất cao với việc bổ sung về các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia với các nội dung được quy định như dự thảo. Bởi việc có được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu này sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước của chúng ta tốt hơn, chính quyền các cấp sẽ có các giải pháp bảo vệ được nguồn tài nguyên nước cũng như khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước hơn.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (TP Hà Nội) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh nội dung dự thảo Luật Tài nguyên nước về “khả năng chịu tải của ngưồn nước” để bảo đảm đồng bộ với quy định tại của Luật Bảo vệ môi trường về khả năng chịu tải của môi trường. Bên cạnh đó là đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện nội dung chống ô nhiễm nước biển với các quy định về bảo vệ môi trường nước biển và các quy định về kiểm soát ô nhiêm môi trường biển và hải đảo trong Luật Tài nguyên để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.    

 Phiên thảo luận Tổ chiều 5/6. Ảnh: QH 

Quản lý nguồn nước trên nền tảng công nghệ số

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Tạ Đình Thi (TP Hà Nội) cho rằng, dự án đã được Chính phủ chuẩn bị công phu, đã có tiếp thu kinh nghiệm của quốc tế. Việc sửa đổi Luật này là kịp thời, đúng thời điểm xu thế cuộc sống hiện nay cũng như tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước. Nội dung sửa đổi Luật Tài nguyên nước tương đối toàn diện, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, bất cập hiện nay.

 Về quản lý nguồn nước theo lưu vực sông, đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, cần có công cụ quản lý tài nguyên nước ở lưu vực sông cũng như đề nghị bổ sung trách nhiệm các bộ ngành, tổ chức lưu vực sông và các bên liên quan trong xác định dòng chảy tối thiểu.

Bên cạnh đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch; điều hòa khai thác, sử dụng nước; giám sát khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái… để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước lưu vực sông.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, hiện nay Hội đồng lưu vực sông hiện có nguồn lực còn khiêm tốn nên đề nghị cần quy định nguồn lực để bố trí hoạt động hiệu quả hơn. Mặt khác, trong dự án Luật cần quy định rõ hơn về hoạt động quản lý nước ở lưu vực sông cần linh hoạt, hiệu quả hơn.

Tại phiên thảo luận Tổ, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cảm ơn và mong tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các ý kiến góp ý sẽ được ban soạn thảo tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ.

Bộ trưởng cũng khẳng định quan điểm nước là hàng hóa, tài sản quý giá của đất nước, cần được bảo vệ, điều tiết, sử dụng hài hòa, hợp lý. Do vậy, cần hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để phân bổ, đảm bảo an ninh nguồn nước; đồng thời tiến tới quản lý nguồn nước trên nền tảng công nghệ số./.

 
Bích Liên
389 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1235
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1235
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87172129