Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hơn 15 năm qua công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đối với Quảng Trị, nếu như trước năm 1994, là một tỉnh được coi “sạch AIDS”, thì đến tháng 9/2021 toàn tỉnh có 84 xã phường, thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS; tổng số người nhiễm HIV/AIDS còn sống 265; trong đó chuyển sang AIDS 169; số trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV 11; số bà mẹ mang thai nhiễm HIV sinh con 40 và số và 99 người đã tử vong. Những con số trên nếu so với cả nước không lớn, nhưng tỷ lệ “bao phủ” xã phường, thị trấn khá rộng và là tỉnh nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây mức độ giao thương ngày càng rộng nên không thể xem thường. Cùng với cả nước, Quảng Trị phải phấn đấu đến trước năm 2030 phải chấm dứt dịch bệnh AIDS. Để mục tiêu đó thành hiện thực cần có giải pháp đồng bộ, quyết tâm cao, hành động quyết liệt; Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trong tâm sau:
1. Tiếp tục tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các kết quả quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua và những khó khăn, thách thức của công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian tới, đặc biệt là tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại gia đình, cộng đồng, nơi học tập, làm việc; hiểu rõ mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030[1].
Công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, về phòng, chống HIV/AIDS, cần kết hợp giữa tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS với thông tin kiến thức về HIV/AIDS và các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, các biện pháp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV; biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS. Phát huy hiệu quả của truyền thông đại chúng; truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ số, các mạng xã hội như Facebook, Youtube, zalo, viber, lotus; tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống truyền thanh - truyền hình ở cơ sở; lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại cơ sở giáo dục, trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và các thiết chế văn hóa cơ sở… Phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống thông tin cơ sở, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, người nổi tiếng, người đứng đầu các cộng đồng dân cư, các chức sắc tôn giáo, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng, người nhiễm HIV, người thuộc nhóm có hành vi nguy cơ cao tham gia vào công tác truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.
3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS, tập trung rà soát, bổ sung quy chế, kế hoạch phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS theo hướng đồng bộ, thống nhất với chương trình phòng chống ma túy và phòng, chống mại dâm.
4. Tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ trong nước và quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự tham gia đóng góp của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân vào việc đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi để huy động sự tham gia bền vững của các tổ chức xã hội trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
5. Triển khai rộng rãi, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả các giải pháp chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS. Tập trung triển khai các giải pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao; Đổi mới và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Mở rộng các mô hình điều trị, cấp phát thuốc tại tuyến cơ sở. Thí điểm và nhân rộng cấp phát thuốc điều trị mang về nhà. Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho các nhóm nguy cơ cao. Triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ dự phòng và điều trị nhiễm HIV toàn diện, liên tục, kết nối với các dịch vụ hỗ trợ xã hội khác phù hợp cho từng đối tượng đặc thù và điều kiện của địa phương.
6. Tiếp tục kiện toàn và củng cố tổ chức, đảm bảo đủ nhân lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS các tuyến, đặc biệt là tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tăng cường năng lực và huy động y tế tư nhân, các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng, mạng lưới người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Quán triệt quan điểm “coi phòng chống HIV/AIDS là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả cộng đồng”, “thực hiện phương châm phòng là chính” “Chống kỳ thị phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS”, “Phòng chống HIV/AIDS gắn chặt với việc phòng chống tệ nạn mại dâm và nghiện chích ma tuý”, với những giải pháp nói trên, Quảng Trị quyết tâm đẩy lùi căn bệnh HIV/AIDS, để phát triển nhanh và bền vững. Trí Ánh
[1]Đó là, khi số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm; tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân; tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% trước năm 2030.