Tiến độ khả quan về cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp 

(Chinhphu.vn) - Đến hôm nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 1.435 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính. Với mục tiêu trong năm 2020 tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia thì đây là tiến độ khả quan để hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Cổng Dịch vụ công quốc gia hiện cung cấp 1.435 dịch vụ công trực tuyến
Phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số để phát triển

Tại hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia (UBQG )về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương ngày 26/8/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, xây dựng Chính phủ điện tử là vấn đề lớn, vấn đề mới, thúc bách để đưa đất nước phát triển.

Tại văn bản kết luận hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia giai đoạn mới. Trong đó, về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, theo hướng sử dụng các nền tảng dùng chung để tiết kiệm chi phí, thời gian, phấn đấu năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Để đạt được mục tiêu, Thủ tướng yêu cầu tập trung tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Trên thực tế, trong thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nền tảng của Chính phủ điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước các cấp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (DN).

Từ năm 2019 đến nay, VPCP và các cơ quan liên quan đã đưa vào vận hành một số nền tảng, hệ thống thông tin có ý quan trọng, mang tính đổi mới như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-cabinet), Cổng Dịch vụ công quốc gia, và vừa mới đây, ngày 19/8, chúng ta đã khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối với 100% các bộ, ngành, địa phương và nhiều cơ quan, tổ chức khác, đã có trên 3 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Theo tính toán sơ bộ, Trục liên thông tiết kiệm cho ngân sách hơn 1.200 tỷ đồng/năm. Hệ thống e-Cabinet đã phục vụ trên 22 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và xử lý trên trên 225 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, theo đó thay thế việc in ấn, phát hành hơn 200.000 hồ sơ, tài liệu giấy.

Sau hơn 9 tháng vận hành, Cổng Dịch vụ công quốc gia nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, DN, đã có trên 72,8 triệu lượt truy cập, trên 310.000 tài khoản đăng ký.

Đến ngày hôm nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 1.435 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền (trong đó có 734 dịch vụ công cho công dân, 871 dịch vụ công dành cho DN). Số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý lên Cổng Dịch vụ công quốc gia là gần 18,5 triệu hồ sơ; số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia là trên 426.000 hồ sơ.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, đây là những sản phẩm chứng minh cho hiệu quả của sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần thay đổi tư duy của các cơ quan hành chính nhà nước khi chuyển xử lý văn bản giấy sang văn bản điện tử.

 

Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương tháng 8/2020

Chuyển từ tư duy cung cấp sang phục vụ

Tại hội nghị trực tuyến ngày 26/8/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đối với triển khai dịch vụ công trực tuyến, phải chuyển từ tư duy cung cấp những gì đang có sang tư duy chủ động phục vụ. Trong văn bản kết luận, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Văn phòng Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Trong 9 tháng năm 2020, Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng đã nhiều lần làm việc với đại diện các bộ, địa phương để tập trung đánh giá tình hình triển khai một số nhiệm vụ cụ thể, như triển khai kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử; cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tích hợp, cung cấp thủ tục trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP phủ Mai Tiến Dũng, với quyết tâm cao cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức, hành động và bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quá trình triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Tại các buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đều nhấn mạnh: “Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là cái gì người dân cần nhất thì làm trước, đồng thời bỏ hết những “giấy tờ con” tạo "xin-cho”. Quyết tâm cải cách theo hướng điện tử hóa, số hóa, nhưng phải cắt hết những “vòng vèo” trong thủ tục thì người dân, doanh nghiệp mới tin tưởng lựa chọn làm thủ tục trực tuyến.

Về triển khai cải cách TTHC, trong các cuộc làm việc của Tổ công tác với 13 địa phương trong tháng 7-8/2019, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) cho biết, các tỉnh đã nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Một số địa phương có tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn cao như Lạng Sơn (99,82%), Thái Nguyên (99,36%), Tuyên Quang (99%)...

Các địa phương đều đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc ở các cấp chính quyền, bước đầu đã triển khai xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; triển khai kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và hoàn thành tích hợp đăng nhập một lần, đồng bộ trạng thái hồ sơ. Bắc Ninh, Hà Nam là 2 tỉnh có nhiều hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tuy nhiên, một số tỉnh có số lượng hồ sơ đồng bộ chưa cao như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang; nhiều địa phương thực hiện rất tốt gửi, nhận văn bản điện tử, tuy nhiên một số địa phương còn ở mức độ khiêm tốn. Việc triển khai tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của một số tỉnh đều rất chậm, chủ yếu mới tích hợp cung cấp dưới 10 dịch vụ công và hầu hết là các dịch vụ công trực tuyến được triển khai từ trước tháng 3/2020.

Theo ông Ngô Hải Phan, tiến độ tích hợp các dịch vụ công trực trực tuyến hiện nay là khả quan để hoàn thành mục tiêu đưa tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, để hoàn thành cần sự nỗ lực, tích cực hơn nửa của các bộ, ngành, địa phương.

Tại các cuộc làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đều nhấn mạnh về thời gian từ nay đến hết năm 2020 không còn nhiều, theo chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương quyết liệt hơn, sâu sát hơn để cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, DN.

Quá trình vừa qua, các cơ quan nhà nước đã làm tốt việc kết nối, bây giờ quan trọng là phải chuyển đổi sang chính quyền phục vụ người dân và DN, đây là việc phải quan tâm hàng đầu, là dư địa tăng trưởng lớn, làm tốt việc này thì thì mới là chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Gia Huy

203 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1035
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1035
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87213668