Theo kế hoạch, sáng 8/3, Hải Dương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19. Các cán bộ y tế, những người trực tiếp tham gia công tác tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại 3 điểm tiêm trên sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin AstraZeneca phòng COVID-19 đợt này.

Tại điểm tiêm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội), sẽ tiêm cho khoảng 100 người. Để việc triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho cán bộ, nhân viên y tế diễn ra an toàn và đạt hiệu quả cao, bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã bố trí 3 bàn tiêm tại Trung tâm Phòng chống dịch với đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật cần thiết để theo dõi sát người được tiêm.

Trước khi tiêm, các cán bộ, nhân viên y tế sẽ được khám sàng lọc kỹ lưỡng. Nếu bị ho, sốt, khó thở sẽ không tiến hành tiêm. Sau khi tiêm, người được tiêm phải ở lại theo dõi 30 phút và theo tiếp tục theo dõi tại nhà trong 24 giờ. Đối với trường hợp cấp cứu phải theo dõi tiếp 24 giờ tại bệnh viện.

BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện đơn vị này có Phòng Tiêm chủng phục vụ các loại vắc xin cập nhật nhất. Phòng Tiêm chủng vắc xin có hệ thống kho lạnh bảo đảm an toàn cho tất cả các loại vắc xin, kể cả các loại vắc xin đòi hỏi tiêu chuẩn âm sâu đến 70 độ C.

 Tiêm vắc xin AstraZeneca phòng COVID-19 cho nhân viên viện dưỡng lão tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 26/2. (Ảnh: REUTERS)

Tại Hải Dương, theo kế hoạch Trung tâm Y tế TP Hải Dương sẽ tiêm vắc xin COVID-19 cho 50 người và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành tiêm cho 30 người.

Để thúc đẩy tiêm vắc xin hiệu quả, an toàn, Hải Dương quyết định sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có. Trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã là đầu mối tổ chức triển khai kế hoạch tiêm phòng COVID-19 trên địa bàn. Trạm y tế của 12 huyện, thành phố, thị xã. Mỗi trung tâm y tế lựa chọn một số trạm y tế để tổ chức tiêm.

Hải Dương đã tổ chức tập huấn về triển khai tiêm vắc xin COVID-19 thông qua Hội nghị trực tuyến do Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức. Đồng thời, tổ chức tập huấn trực tuyến từ điểm cầu của Sở Y tế đến các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện.

Sở Y tế Hải Dương chỉ đạo BVĐK tỉnh và trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã thành lập các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh, dự kiến nữ bác sĩ trẻ của Khoa cấp cứu Hồi Sức tích cực chống độc người lớn là người được tiêm đầu tiên.

Trước khi tiêm các nhân viên y tế sẽ được kiểm tra, tư vấn và sàng lọc theo quy định; sau tiêm sẽ được theo dõi tại điểm tiêm theo quy định và đồng thời được hướng dẫn, tư vấn về việc tự theo dõi tại nhà sau tiêm.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh cho biết, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ và kỹ lưỡng các kịch bản liên quan đến quá trình tiếp nhận, lưu trữ bảo quản vắc xin, tư vấn, theo dõi quá trình tiêm… cũng như sẵn sàng các phương án cho các trường hợp khẩn cấp; đội ngũ nhân viên tham gia công tác tiêm vắc xin được tập huấn, huấn luyện, cập nhật các kiến thức liên quan đến việc tiêm vắc xin COVID-19 nói riêng và quy định tiêm chủng nói chung.

Có thể nói, hiện nay tiêm vắc xin phòng COVID-19 đang là vấn đề nóng được người dân quan tâm nhiều nhất và tâm lý có thể xảy ra phản ứng nào nghiêm trọng khi tiêm vắc xin này cũng được đa số người đặc biệt quan tâm, lo lắng.

Chia sẻ về phản ứng thông thường khi tiêm vắc xin, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng Ban Điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng cho biết, theo các số liệu trên thế giới, khoảng 10% trường hợp tiêm có phản ứng ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt nhẹ và sốt trên 38 độ C, ớn lạnh, đôi khi rét run, nóng tại vị trí tiêm. 10% trường hợp có phản ứng sưng, đỏ tại vị trí tiêm.

Cũng theo PGS.TS Dương Thị Hồng, như nhiều vắc xin khác, vắc xin COVID-19 đưa vào cơ thể có thể xảy ra phản ứng sốc, phản ứng muộn sau tiêm. Đến nay, chưa ghi nhận số liệu của Tổ chức Y tế thế giới một cách đầy đủ vì đây là vắc xin mới.

Tại hội nghị tập huấn trực tuyến công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 toàn quốc diễn ra ngày 6/3 do Bộ Y tế tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã nhấn mạnh: Trong chiến dịch tiêm chủng lần này, chắc chắn sẽ có những tai biến không mong muốn xảy ra nhưng không vì lý do đó làm lung lay chiến dịch tiêm vắc xin. Trên toàn cầu cũng có người tham gia phong trào anti vắc xin nhưng lợi ích vắc xin ngừa COVID- 19 rất rõ ràng, bảo vệ chính cho bản thân và cộng đồng.

Theo Bộ trưởng, dù độ bảo vệ của vắc xin AstraZeneca không đạt 100% nhưng 100% người tiêm nếu có mắc bệnh sẽ diễn biến nhẹ hơn. Đó là điều quan trọng nhất với mỗi cá nhân tiêm chủng. Do hiệu lực bảo vệ không đạt 100% nên song song tiêm vắc xin vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tuân thủ tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Vắc xin ngừa COVID-19 là một loại vắc xin mới nên chúng ta phải triển khai thận trọng. Trong lịch sử phát triển vắc xin, đây là vắc xin phát triển nhanh nhất, sản xuất nhanh nhất và đưa vào sử dụng nhanh nhất. Do đó, phản ứng sau tiêm vắc xin COVID-19 là có thể, vì không vắc xin nào đảm bảo 100% an toàn; có thể xảy ra phản ứng thông thường cho đến phản ứng bất lợi. Chính vì vậy, khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể cho người dân./.

 

 Đỗ Thoa