Chuyên gia Bùi Kiến Thành.
Nhận định lạc quan nói trên của chuyên gia kinh tế-tài chính Bùi Kiến Thành không chỉ đến từ nhãn quan chuyên môn sâu rộng mà còn từ kinh nghiệm phong phú của bản thân ông khi vừa là nhân chứng, vừa là một trong những người đầu tiên tham gia bắc những nhịp cầu đầu tiên của quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ.
Ông là một trong những người Việt đầu tiên được đào tạo ở Hoa Kỳ trong lĩnh vực tài chính. Ông từng là Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm quốc tế Mỹ AIU những năm 1959-1965, cố vấn của Tập đoàn Tài chính Mỹ AIG, một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới.
Vào thời điểm nỗ lực góp phần bắc những nhịp cầu đầu tiên trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, ông có hình dung được rằng, mối quan hệ giữa hai quốc gia sẽ phát triển nhanh chóng, cả về chiều rộng và chiều sâu để đạt được kết quả như hiện nay hay không?
Ông Bùi Kiến Thành: Qua kinh nghiệm các quốc gia đi trước, như Nhật Bản, Đức sau chiến tranh, tôi kỳ vọng rất nhiều về sự phát triển quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Nhưng tôi không hình dung được mà thật sự cũng khó có thể hình dung được tốc độ phát triển. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam vẫn đang vận hành nền kinh tế kế hoạch tập trung, trong khi Mỹ là một nền kinh tế thị trường hùng mạnh. Tưởng như nước với lửa, dầu với nước khó hòa đồng. Thế nhưng, sau công cuộc Đổi mới, rồi tới cột mốc 1995, thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đến nay đã tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 111 tỷ USD năm 2021. Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp đang là một điểm nhấn, với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 sang thị trường Mỹ là gần 5 tỷ USD. Các dự án hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch giữa hai nước đang có rất nhiều triển vọng.
Trước hết, chúng ta phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, khắc phục được một số điểm yếu trong môi trường kinh doanh, đặc biệt là chi phí không chính thức, tạo cơ chế thông thoáng, minh bạch, phù hợp với luật pháp Mỹ, thông lệ và chuẩn mực của thế giới. Song song với đó, cần nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng lao động, đón đầu xu hướng đầu tư của các quốc gia phát triển, trong đó có Hoa Kỳ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 5, ngày 8/3/2022 tại Hà Nội.
Kỳ vọng Việt Nam trở thành con rồng Đông Nam Á
Theo ông, tiềm năng của mối quan hệ kinh tế thương mại nói riêng mà mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ nói chung trong tương lai có thể đạt ở mức nào?
Ông Bùi Kiến Thành: Tiềm năng còn rất lớn. Việt Nam sẽ là lựa chọn đầu tư hợp tác của nhiều nền kinh tế phát triển, trong đó có nền kinh tế Hoa Kỳ vì những lý do sau:
Thứ nhất, nhìn vào bản đồ thế giới trong 30 năm qua, trục phát triển Mỹ-châu Âu đã chậm lại. Trục Mỹ-Thái Bình Dương qua Đông Á đã phát triển rất mạnh mẽ, với hai đại diện là Nhật Bản và Trung Quốc. Trục phát triển cho tương lai trong nhiều thế kỷ tới là trục Đông Nam Á-Nam Á, mà đại diện lớn nhất là Ấn Độ. Việt Nam là trung điểm của trục phát triển này.
Thứ hai, về vị trí địa lý, ngoài việc nằm ở trung tâm của trục phát triển kinh tế Đông Nam Á-Nam Á, Việt Nam có hải phận đang chiếm gần 50% thương mại đường biển của toàn thế giới. Về hàng không, theo nhiều nghiên cứu, Việt Nam là một trong bảy điểm có thể phát triển thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của thế giới. Từ Đà Nẵng hay Chu Lai, quay một vòng bán kính 3.000 km sẽ bao gồm các quốc gia phát triển là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, các nước Cận Đông, và Ấn Độ, một quốc gia được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, một khu vực rộng lớn thể hiện cho hơn 50% dân số thế giới và hơn 50% GDP toàn cầu.
Thứ ba, Việt Nam có vị trí sát cạnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc. Chúng ta có truyền thống thân thiện để có thể hợp tác với các quốc gia trên mọi châu lục, để phát huy tối đa lợi thế của Việt Nam.
Thế giới đã nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam. Người Mỹ biết tiềm năng của Việt Nam. Đầu tư vào Việt Nam là đầu tư vào cả một vùng phát triển trong tương lai. Thực chất, cộng đồng kinh doanh Mỹ đang rất kỳ vọng vào nền kinh tế Việt Nam. Họ chờ đợi Việt Nam bứt phá, trở thành con rồng Đông Nam Á để họ ủng hộ, hợp tác. Nếu khắc phục được những hạn chế đang tồn tại, Việt Nam có thể đón dòng đầu tư lớn gấp 10 lần, 20 lần hiện tại, có thể cạnh tranh với cả Singapore trong hấp thụ FDI từ Hoa Kỳ. Còn tiềm năng phát triển quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam-Hoa Kỳ có thể gấp 5, gấp 10 lần hiện tại.
Về phần mình, chúng ta phải biết rõ giá trị của mình và phải làm sao tận dụng được thời cơ biến nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, thành con rồng lớn, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á.
Hoàng Hạnh (thực hiện)