Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Ảnh: MT

Ngày 4/9, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Luật Cư trú (sửa đổi).

Trong sáng nay, các đại biểu đã thảo luận dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Hai phương án về giấy phép môi trường

Báo cáo nội dung lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Phan Xuân Dũng cho biết, một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là về giấy phép môi trường.

Theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình 2 phương án. Cụ thể, phương án 1 (phương án Chính phủ trình), chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường. Đồng thời quy định trong nội dung giấy phép môi trường đối với trường hợp có xả nước thải vào công trình thủy lợi phải có các yêu cầu bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.

Phương án 2: Vẫn có giấy phép “Xả nước thải vào công trình thủy lợi” như đã được quy định trong Luật Thủy lợi thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (năm 2017) và đang được triển khai thực hiện một cách thuận lợi.

Thảo luận tại hội nghị, nhiều đại biểu nhất trí chọn phương án 1. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, việc tích hợp này là điểm mới, tiến bộ và rất cần thiết. Đại biểu phân tích, các giấy phép hiện nay như: Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, Giấy phép xả thải vào nguồn nước, Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đều được cấp dựa trên báo cáo đánh giá tác động môi trường, kết quả vận hành công trình bảo vệ môi trường, các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, tiếp nhận nước thải vào môi trường.

Theo đại biểu, nội dung quản lý nước thải trong các giấy phép này cơ bản giống nhau. “Nội dung xả nước thải đang chịu sự quản lý của 2 thủ tục hành chính khác nhau, có nội dung tương đồng. Trên thực tế đã xảy ra trường hợp là các giấy phép này có yêu cầu khác nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp”, đại biểu chỉ rõ.

Đáng chú ý,  theo đại biểu, việc phân cấp cấp Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dựa trên phân cấp quản lý công trình, không theo quy mô xả thải của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến thẩm quyền cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi không tương thích với thẩm quyền quản lý hồ sơ về môi trường đối với một số trường hợp. “Có khi, cơ sở xả nước thải quy mô không lớn, thuộc thẩm quyền quản lý hồ sơ về môi trường của cấp huyện nhưng lại phải xin cấp phép xả nước thải ở cấp tỉnh hoặc cấp bộ”, đại biểu phát biểu.

Cũng nhất trí với phương án 1, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhấn mạnh, đây là phương án phù hợp trong xu thế cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và đầu mối quản lý môi trường.

Trong khi đó, cũng có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ vấn đề này, vì với các loại giấy phép được tích hợp thì khi cần điều chỉnh một nội dung nào đó thì doanh nghiệp sẽ xin điều chỉnh như thế nào?

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản

Một vấn đề khác nhận được sự quan tâm của các đại biểu là về quản lý chất thải.

Theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Trong đó, căn cứ điều kiện KT-XH của từng địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác. Dự thảo giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật về phân loại, hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh.

Về lộ trình thực hiện, giao UBND cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý; quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN); quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, chủng loại chất thải phát sinh trước ngày 01/01/2025.

“Đây là nội dung bắt buộc phải làm của một quốc gia tiên tiến, văn minh. Để thực hiện quy định này phải thay đổi thói quen, tập quán lạc hậu, cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nên cần có quyết tâm chính trị cao.” - Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) tán thành các quy định, chi tiết mới về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đây là vấn đề đặt ra trong thực tiễn, hết sức phức tạp trong thời gian qua, do nhiều bộ, ngành quản lý, với nhiều văn bản rải rác khác nhau thì lần này tích hợp trong một chương quản lý chất thải. Tuy nhiên, trong điều kiện hạ tầng và tình hình xử lý bất cập hiện nay thì quy định kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, chủng loại phát sinh... cần tiếp tục nghiên cứu thêm, có thể thực hiện theo lộ trình dài hơn, phù hợp hơn với điều kiện hiện nay

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa– Vũng Tàu) cũng bày tỏ nhất trí với nhiều quy định về chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Trước ý kiến đề nghị cân nhắc lộ trình phân loại rác thải tại nguồn đến năm 2025 là quá dài, đại biểu cho rằng, thay đổi thói quen là khó, hơn nữa hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý thời điểm này cũng chưa đảm bảo. Do đó, nhất trí có lộ trình thực hiện dài để bảo đảm tính khả thi, phù hợp thực tế với nhận thức, hạ tầng kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn ở nước ta hiện nay.

Chiều nay, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi)./.

 
Minh Thư