Tích cực triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm tích cực – Giải pháp nâng cao năng lực sản xuất trong thực hiện CTMTQG về xây dựng Nông thôn mới ở Quảng Trị 

Là tỉnh nông nghiệp, Quảng Trị đã sớm xác định cần thiết phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Từ đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 20/4/2017 về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND ngày 23/5/2017 về hỗ trợ một số cây trồng con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 30/2017/NQ-HĐND, ngày 14/12/2017 về xây dựng nông thôn mới… để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn sinh học, gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.

Đặc biệt, ngay sau khi có Quyết định 490/QĐ-TTg, ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (Chương trình OCOP). Đây là chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, cũng là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 4565/KH-UBND, ngày 17/10/2018 xác định mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nguyên tắc và lộ trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn khu vực nông thôn và khuyến khích thực hiện ở cả khu vực đô thị. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các làng nghề, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh làm chủ thể thực hiện; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và cơ chế, chính sách để hỗ trợ thực hiện, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và đào tạo nguồn nhân lực.

Qua rà soát, Quảng Trị có khoảng 35 sản phẩm thế mạnh tham gia Chương trình OCOP như gạo chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê, cao dược liệu, tinh dầu thiên nhiên, tinh bột nghệ, ném, cá hấp, nước mắm, tôm, các sản phẩm từ chăn nuôi. Trong đó, có 21 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; 03 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống; 06 sản phẩm thuộc nhóm thảo dược; 01 sản phẩm thuộc nhóm vải và may mặc; 03 sản phẩm thuộc nhóm lưu niệm - nội thất trang trí; 01 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch. Ngoài ra, có khoảng 100 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển, tham gia Chương trình OCOP… Tuy nhiên, đa số sản phẩm được sản xuất thủ công, sản phẩm chủ yếu có bao bì, nhãn mác, nhiều sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng; thị trường tiêu thụ của các sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu ở trong nước, một số sản phẩm xuất khẩu đi Trung Quốc và Lào. Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất sản phẩm theo tiêu chí OCOP còn thấp, chủ yếu ở hình thức cơ sở sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở thực trạng như vậy, để triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung Kế hoạch đề ra gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền, tỉnh đã tập trung lựa chọn 14 sản phẩm có khả năng phát triển thành sản phẩm chủ lực trong Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020, gồm 02 sản phẩm đạt tiêu chí OCOP quốc gia là hồ tiêu và cao dược liệu; 12 sản phẩm đạt tiêu chí OCOP cấp tỉnh là gạo chất lượng cao, ném củ, tinh dầu thiên nhiên, trái cây (bơ, thanh long, bưởi da xanh, cam), rượu Kim Long, dầu lạc, cá hấp, nước mắm, tinh bột nghệ, cà phê bột, hạt đóng gói, du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc, du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số Bru – Vân Kiều trên tuyến đường Hồ Chí Minh khu vực Bắc Hướng Hóa.

Tuy mới ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện Chương trình OCOP song ở mỗi địa phương đang có những cách làm phù hợp, bước đầu khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2019, toàn tỉnh đã có 02 HTX, 06 công ty TNHH và 04 hộ kinh doanh tham gia thực hiện Chương trình này với 19 sản phẩm OCOP (trong đó có 02 sản phẩm đạt 4 sao và 17 sản phẩm đạt 3 sao) như: Dầu lạc nguyên chất super green, dầu mè nguyên chất super green, gạo sạch Quảng Trị, tinh bột sắn, bơ đậu phụng super green, hạt tiêu đen, cao cà gai leo, cao chè vằng, măng muối chua, măng dầm tỏi ớt, cà phê bột, bột ngũ cốc dinh dưỡng, bún Vạn Ninh, rượu men lá Ba Nang, tranh gạo, nước lau sàn tinh dầu sả - bồ hòn. Trong số 19 sản phẩm mang địa danh của tỉnh có 01 sản phẩm chỉ dẫn địa lý là hạt tiêu đen của HTX hồ tiêu Cùa; 03 sản phẩm nhãn hiệu tập thể gồm cà phê bột của HTX nông sản Khe Sanh, cà phê bột của Hộ kinh doanh dịch vụ sản xuất nông nghiệp Ta Lư, rượu men lá Ba Nang của cơ sở chế biến, bán buôn rượu men lá Ba Nang; 15 sản phẩm còn lại là nhãn hiệu thông thường.

Từ nhu cầu của thực tế cho thấy, để đảm bảo phát triển nông thôn bền vững thì cần chú trọng tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, việc triển khai Chương trình OCOP trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế là hết sức cần thiết, đặc biệt rất phù hợp với quá trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Vì vậy trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác truyên truyền, truyền thông đến tất cả các cấp, các ngành, các chủ thể kinh tế và nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, triển khai thực hiện chương trình. Xây dựng hệ thống chỉ đạo, thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến nguyên liệu và quản lý chất lượng sản phẩm; phát triển sản phẩm gắn với tiêu thụ, đào tạo nguồn nhân lực; đặc biệt, phát huy được tính sáng tạo của các tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư trong thực hiện chương trình. Huy động có hiệu quả nguồn lực từ cộng đồng, các tổ chức kinh tế để thực hiện chương trình. Đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở, làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản Quảng Trị. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP cấp tỉnh và cấp quốc gia. Duy trì và nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, quản lý việc hoạt động của các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP để đạt hiệu quả và phát triển bền vững, qua đó quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển làng nghề góp phần phát triển kinh tế nông thôn và kinh tế của địa phương.

Từ những kết quả ban đầu của chương trình OCOP và hiệu ứng lan tỏa của chương trình trong cả nước hiện nay, tin tưởng chương trình OCOP sẽ có các bước tiến quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, dịch vụ không chỉ ở khu vực nông thôn mà còn ở khắp các địa bàn trong tỉnh và hình thành nên nhiều thương hiệu hàng hóa đặc trưng của tỉnh trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian gian tới./. Thanh Lan

538 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 572
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 572
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78247899