Chương trình thu hút đông đảo đại biểu tham dự (Ảnh: HNV)
Các dự án của IFAD đã đóng góp, mang lại nhiều kết quả tích cực cho hàng trăm nghìn các hộ gia đình nghèo, hộ nông thôn Việt Nam tại 11 tỉnh nơi chương trình được triển khai (Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đăk Nông, Gia Lai, Bến Tre, Trà Vinh) với kết quả thống kê cụ thể là hơn 748.470 hộ gia đình được thụ hưởng các kết quả tích cực mà chương trình mang lại.
Với chiến lược tập trung vào khu vực nông thôn, các chương trình của IFAD hướng tới mục tiêu đổi mới, phát triển bền vững, vì người nghèo, nâng cao khả năng của các hộ dân nghèo và giúp họ thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Đánh dấu chặng đường hợp tác 25 năm giữa IFAD và Việt Nam, ngày 22/5, tại Hà Nội, chương trình kỷ niệm “IFAD 25 năm tại Việt Nam: Quan hệ đối tác, Đổi mới sáng tạo và Phát triển nông thôn" (IFAD 25 Years of Partnership, Innovation and Rural Transformation) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý, các chuyên gia và những người hưởng lợi từ hoạt động đầu tư tài chính vi mô do IFAD hỗ trợ.
Sự kiện do ông Donal Brown, Phó Chủ tịch IFAD và lãnh đạo Bộ Tài chính Việt Nam chủ trì với sự tham dự của đại diện cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh có dự án, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức đối tác và đại diện các nhóm cộng đồng thụ hưởng.
Ông Donal Brown, Phó chủ tịch IFAD phát biểu tại chương trình (Ảnh: P.V)
Nhìn nhận về chặng đường hợp tác đã qua và những đóng góp của Quỹ, ông Donal Brown, Phó Chủ tịch IFAD cho rằng, Việt Nam đã có bước nhảy vọt ấn tượng về chuyển đổi kinh tế trong một khoảng thời gian ngắn.
Cụ thể, GDP trên đầu người đã tăng từ 230 USD (năm 1985) lên 2.340 USD (năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm từ 60% tổng dân số giữa thập niên 80 xuống dưới 10% năm 2016. Sự tăng trưởng bao trùm này có sự đóng góp một phần của IFAD.
Đại diện IFAD cũng cho biết, IFAD cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ cho các nỗ lực giảm nghèo ở mọi khía cạnh, hoàn thành các mục tiêu bền vững của Liên Hợp quốc đến năm 2030, đặc biệt là mục tiêu số 1 "Không còn sự đói nghèo".
Ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam nhìn nhận, đất nước và người dân Việt Nam coi trọng sự hợp tác tốt đẹp với IFAD trong những nỗ lực xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển nông nghiệp thời gian qua.
"Hai bên cần tiếp tục nhân rộng các mô hình điển hình đã chứng minh hiệu quả, đặc biệt, cần khuyến khích thêm sự phát triển của nữ giới trong các hoạt động này", ông Hải nói.
Các sản phẩm từ dự án hưởng lợi của chương trình giới thiệu tại hoạt động
kỷ niệm 25 năm (Ảnh: HNV)
Chia sẻ tại chương trình, điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra khẳng định, chương trình tài chính vi mô mà IFAD triển khai đã phát huy hiệu quả, bằng chứng là hàng trăm ngàn hộ gia đình nông thôn đặc biệt khu vực dân tộc thiểu số đã thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung.
Theo ông Kamal Malhotra, IFAD đã chủ động hợp tác hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, trao quyền cho phụ nữ và người dân tộc đặc biệt là phụ nữ dân tộc. Kết quả là hàng trăm xã tại Việt Nam với 397.000 hộ nghèo trong đó có hơn 40% phụ nữ và 49% là dân tộc thiểu số không còn nghèo đói; giảm đối tượng dễ bị tổn thương với biến đổi khí hậu, hỗ trợ cung cấp tài chính vi mô cho nông thôn Việt Nam giúp Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng của người dân. “Đầu tư vào nông nghiệp và người dân nông thôn là chìa khoá để phát triển kinh tế và đạt mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam nhằm phát triển bền vững hiệu quả” – Điều phối viên Kamal nói.
Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp: tên tiếng Anh là International Fund for Agriculture Development (IFAD) là một tổ chức thuộc Liên hợp quốc (LHQ). Hiệp định thành lập Quỹ được thông qua ngày 13/6/1976 và ký ngày 20/12/1976 khi nhận được cam kết ban đầu là 1 tỷ USD. Hiệp định đã có hiệu lực từ ngày 30/11/1977. IFAD bắt đầu hỗ trợ cho Việt Nam từ năm 1993 với hình thức hỗ trợ chủ yếu: Việt Nam được vay vốn với điều kiện ưu đãi: lãi suất 0,75-1%/ năm, trả trong 40-50 năm, thời gian ân hạn là 10 năm. Các lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động của tổ chức IFAD tại Việt Nam: Tập trung hỗ trợ nông dân, ngư dân, phụ nữ nghèo; Hỗ trợ cho một số tỉnh nghèo và có nhiều đồng bào các dân tộc ít người sinh sống…
|
Hà Anh