Tích cực khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh 

(ĐCSVN) - Khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh là chủ trương nhân văn của Đảng, Nhà nước ta. Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh đã và đang thu được nhiều kết quả tích cực nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn, bảo vệ tính mạng của người dân…

 

Lực lượng Bộ đội Công binh xử lý bom sót lại sau chiến tranh. (Ảnh: Minh Nhân)

Với đặc điểm là một trong những địa phương có lượng bom, mìn sót lại sau chiến tranh khá lớn, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác khắc phục hậu quả bom, mìn. Theo đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, thực hiện Chương trình hành động khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2016 - 2025 của tỉnh Quảng Trị, đến nay, địa phương đã rà phá hơn 25.000 ha đất bị ô nhiễm bom, mìn; phát hiện và xử lý an toàn trên 765.000 bom, mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh; đồng thời hỗ trợ hàng nghìn nạn nhân, nâng cao nhận thức về nguy hiểm bom, mìn cho hầu hết người dân và học sinh. Tỉnh cũng coi trọng việc đào tạo lực lượng tham gia rà phá bom, mìn. Toàn tỉnh đã có gần 1.000 nhân viên kỹ thuật địa phương được đào tạo, có kỹ năng chuyên môn cao và trang cấp thiết bị, phương tiện hiện đại, trong đó có nhiều đội nữ rà phá bom, mìn. Đây là lực lượng quan trọng trong việc giải quyết hậu quả bom, mìn bền vững của tỉnh Quảng Trị hiện nay và giai đoạn tiếp theo. Tính đến tháng 3/2022, tỉnh Quảng Trị đã xác định và lập bản đồ cho 1.048 khu vực khẳng định ô nhiễm bom chùm với tổng diện tích 50.861 ha.

Cùng với tỉnh Quảng Trị, tại nhiều địa pương khác trong cả nước, công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh đã thường xuyên nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các lực lượng. Nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của xã hội về sự nguy hiểm của bom, mìn và ý nghĩa công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh đã được triển khai rộng khắp. Qua đó, góp phần vào những kết quả quan trọng trong công tác khắc phục hậu quả bom, mìn tại Việt Nam. Mới đây, thông tin tại Hội nghị Tổng kết hoạt động truyền thông và trao thưởng cuộc thi “Nâng cao nhận thức phòng tránh tại nạn bom, mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam”, Thiếu tướng Trần Trung Hòa, Tư lệnh Binh chủng Công binh, Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom, mìn quốc gia Việt Nam cho biết, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2010 - 2020, cả nước đã khảo sát, rà phá được gần 500.000 ha đất, tăng 35% so với giai đoạn trước; bản đồ ô nhiễm bom, mìn toàn quốc đã được công bố; hơn 3 triệu người dân và học sinh được giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, tránh tai nạn bom, mìn, vật nổ. Hơn 5.000 trường hợp nạn nhân bom mìn và các đối tượng bị ảnh hưởng khác đã được hỗ trợ y tế, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng để phát triển kinh tế với số tiền hơn 50 tỷ đồng. Hàng trăm nghìn người, đặc biệt là trẻ em và người dân ở những vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng được tiếp cận với các phương pháp phòng tránh tai nạn bom mìn. Số vụ tai nạn bom, mìn giảm đáng kể, nhiều địa phương trong nhiều năm không còn xảy ra tai nạn do bom, mìn sau chiến tranh.

 Thiếu tướng Trần Trung Hòa trao thưởng cho các cá nhân đoạt giải cuộc thi “Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom, mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam". Ảnh: Hồng Pha

Đặc biệt, các cấp, các địa phương đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh. Qua 10 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh, Việt Nam đã huy động được gần 13.000 tỷ đồng, trong đó huy động từ nước ngoài gần 100 triệu USD để khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh. Nhiều hoạt động đã được triển khai đồng bộ như điều tra, khảo sát, rà phá bom, mìn, vật nổ; hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân bị ảnh hưởng; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng, tránh tai nạn bom, mìn, vật nổ… Chị Nguyễn Thị Hà ở xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Nhờ được tuyên truyền nên bà con trong xã đã nhận thức rõ sự nguy hiểm của bom, mìn, vật nổ. Ngay khi phát hiện bom, mìn, vật nổ, bà con đã chủ động báo với cơ quan chức năng để xử lý nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và mọi người”.

Theo các chuyên gia, bom, mìn sót lại sau chiến tranh có thể gây ra tai nạn, hậu quả với bất cứ người nào gặp phải, nhất là các em nhỏ, học sinh khi thiếu hiểu biết. Vì vậy, việc giáo dục phòng tránh bom, mìn cho các em là hết sức cần thiết, đặc biệt là với những địa phương bị ô nhiễm bom, mìn mức độ cao. Thông qua trưng bày những hiện vật, hình ảnh bom, mìn sót lại sau chiến tranh và những ví dụ về nạn nhân bị tai nạn do bom, mìn gây ra, đã giúp cho giáo viên, học sinh hiểu biết về tính chất, mức độ nguy hiểm của các loại bom, mìn; cách nhận biết và biện pháp xử lý cần thiết khi phát hiện bom, mìn.

Tuyên truyền cho học sinh về cách phòng tránh bom, mìn sót lại sau chiến tranh. Ảnh: Thanh Hoa

Tuy nhiên, do chiến tranh xâm lược diễn ra trong thời gian dài với số lượng bom mìn mà quân đội đối phương đã sử dụng rất lớn, nên nhiều địa phương trên cả nước vẫn đang trong tình trạng ô nhiễm bom, mìn tương đối nặng nề. Phần lớn những vùng bị ô nhiễm nặng do bom, mìn, vật nổ còn sót lại thì kinh tế đều kém phát triển. Do đó, khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh hiện vẫn đang là yêu cầu cấp bách.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh, đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Theo đó, cơ quan chức năng các cấp cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về hoạt động khắc phục hậu quả bom, mìn. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng đối với nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, triển khai chính sách xã hội đối với nạn nhân bom, mìn một cách toàn diện; coi trọng công tác hỗ trợ đào tạo nghề đối với nạn nhân bom, mìn.

Tiếp tục thực hiện các thỏa thuận đã ký kết với Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế; đề xuất hỗ trợ về năng lực dò tìm, xử lý bom, mìn dưới biển và chế tạo trang thiết bị dò tìm, xử lý bom, mìn…

Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại để chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về hậu quả bom, mìn sau chiến tranh, những khó khăn, thách thức của Việt Nam và quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong việc khắc phục hậu quả bom mìn, tạo sự ủng hộ, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế để có thêm nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.

Nhanh chóng xử lý ô nhiễm bom, mìn, làm sạch đất đai là cơ sở để tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, góp phần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, giảm thiểu những vụ việc mất an toàn do bom, mìn sau chiến tranh gây ra./.

 
Phạm Như Quỳnh
232 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1030
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1030
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87183933