|
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Lê Văn Thời. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Đây là thông tin được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Lê Văn Thời chia sẻ với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trong những ngày cuối tháng 8, khi thời điểm khai giảng năm học 2018-2019 đã cận kề.
Xin ông cho biết, để kịp thời đưa gạo hỗ trợ đến với trên 500.000 học sinh trong đầu năm học mới này, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã triển khai công việc như thế nào?
Ông Lê Văn Thời: Công tác xuất gạo hỗ trợ học sinh vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng và Nhà nước giao cho ngành dự trữ Nhà nước. Với nhận thức đó, nhiều năm qua, tập thể và cán bộ, công chức ngành đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, phối hợp đồng bộ, không kể ngày đêm, khắc phục mọi khó khăn, tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai xuất đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, kịp thời hỗ trợ cho các em học sinh trong năm học.
Thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ, trước thời điểm khai giảng năm học mới 2018- 2019, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho các cục dự trữ Nhà nước khu vực phối hợp với các sở, ban, ngành để trao đổi thống nhất thống kê số lượng học sinh, xác định số lượng gạo hỗ trợ theo định mức 15kg/học sinh/tháng, tổ chức xuất cấp, giao, nhận gạo tại trung tâm huyện theo đúng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận gạo của UBND các tỉnh.
Cũng trên cơ sở quyết định của Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực xuất cấp cho các địa phương theo từng học kỳ năm học. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, trường hợp số lượng gạo thực tế tiếp nhận của địa phương trong năm học thấp hơn so với số gạo Bộ Tài chính đã quyết định thì cấp theo số của địa phương.
Trường hợp nhu cầu gạo của địa phương tiếp nhận trong năm học cao hơn so với số gạo Bộ Tài chính đã quyết định, các địa phương tiếp tục có văn bản báo cáo để Bộ Tài chính ban hành quyết định cấp gạo bổ sung kịp thời, nhằm bảo đảm quyền lợi cho các em học sinh theo đúng thời gian của học kỳ năm học.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Dự trữ Nhà nước và các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực được giao nhiệm vụ xuất cấp gạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng gạo đến đối tượng thụ hưởng.
Trên cơ sở đó, đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành của địa phương tổ chức và chịu trách nhiệm về công tác quản lý, phân phối, sử dụng gạo tại địa phương; bảo đảm việc tiếp nhận, sử dụng gạo hỗ trợ cho học sinh đúng đối tượng, định mức và thời gian của năm học; không để thất thoát, tiêu cực xảy ra trong quá trình tiếp nhận, phân phối, sử dụng gạo hỗ trợ của Chính phủ…
Với các cán bộ ngành dự trữ Nhà nước, rõ ràng, đây là thời điểm vất vả nhưng điều đó không hề khiến chúng tôi nản lòng.
Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với các chính sách ưu đãi khác của Đảng, Nhà nước, việc hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia cho học sinh vùng khó khăn đã nuôi dưỡng ước mơ đến trường cho các em học sinh. Ông có chia sẻ gì thêm về điều này?
Ông Lê Văn Thời: Nhìn lại, từ khi thực hiện chính sách này, đã có hàng triệu học sinh của 46 tỉnh, thành phố được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ đầy đủ theo mức quy định.
Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho học sinh các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn là một trong những chính sách mang lại hiệu quả và có ý nghĩa chính trị lớn. 15kg gạo/tháng/em - số gạo tưởng như ít nhưng với học sinh nghèo thì đây là món quà quý giá, không chỉ giúp các em học sinh không bị “đứt bữa” mà còn là điểm tựa giúp các em tiếp tục hành trình đi tìm con chữ.
Thông qua việc sử dụng gạo hỗ trợ đã khuyến khích động viên các em học sinh đến trường, tỷ lệ học sinh đến trường và số lượng học sinh chuyên cần tại các trường ngày càng tăng cao; giúp các em học sinh dân tộc tiếp xúc với tiếng Kinh sớm hơn góp phần rút ngắn khoảng cách văn hóa và điều kiện phát triển giữa các vùng, miền; việc sinh hoạt tập thể giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp đặc biệt là nâng cao thể trạng của các em học sinh thông qua các bữa ăn no tại trường.
Những hạt gạo dẻo thơm cũng đã góp phần giảm áp lực đáng kể cho nhà trường và các thầy cô giáo trong việc huy động học sinh đến trường và an tâm giảng dạy truyền đạt kiến thức cho học sinh; giảm bớt khó khăn cho gia đình và các cấp chính quyền địa phương trong công tác ổn định, phát triển kinh tế và bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn và góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ cho các địa phương.
Một điều rất vui mừng là khi đi thực tế ở nhiều địa phương, tôi được nghe những lời động viên, đề nghị và bày tỏ mong muốn chính sách này được duy trì lâu dài để học sinh vùng khó khăn bớt khổ, có điều kiện vươn lên. Đây chính là phản ánh thiết thực nhất, ý nghĩa nhất về hiệu quả của chính sách hỗ trợ gạo với học sinh vùng khó khăn.
|
Niềm vui của học sinh miền núi phía Bắc khi nhận gạo hỗ trợ dịp bắt đầu học kỳ 2 năm học 2017- 2018. |
Như vừa trao đổi, chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Vậy để chính sách này được hiệu quả hơn, trong thời gian tới cần có những giải pháp thiết thực nào?
Ông Lê Văn Thời: Chúng tôi không tự thỏa mãn với những kết quả đã đạt được mà xác định sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để phát huy tối đa hiệu quả của chính sách.
Theo đó, năm học tới và các năm tiếp theo, để bảo đảm sử dụng, phát huy có hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, sở giáo dục và đào tạo các tỉnh để kịp thời rà soát, báo cáo, tổ chức triển khai công tác xuất gạo dự trữ quốc gia.
Hơn nữa, không chỉ việc hỗ trợ gạo cho học sinh các địa phương vùng đặc biệt khó khăn, mà việc hỗ trợ các địa phương tập trung cho các tình huống thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa, khống chế dịch bệnh; hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng... đều đòi hỏi phải được thực hiện trên cơ sở bảo đảm đúng pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả, đúng đối tượng và đúng mục đích.
Trong năm tới và các năm tiếp theo cần tăng cường, bổ sung bố trí nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để bảo đảm mua đủ số lượng gạo nhằm đáp ứng yêu cầu xuất cấp cho học sinh trong cả năm học.
Ðể thực hiện tốt yêu cầu này, ngoài việc kịp thời tham mưu trình Chính phủ sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia ngày càng hiệu quả hơn, cơ quan dự trữ quốc gia sẽ nỗ lực hơn nữa trong rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm tính pháp lý đồng bộ./.
Cảm ơn ông!
Thành Chung