|
Tỉ lệ đúng giờ của các hãng hàng không tăng cao. |
Theo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), từ ngày 19/3-18/4, tỉ lệ đúng giờ trung bình của các hãng hàng không Việt Nam đạt tới 96,7%, trong đó Vietjet dẫn đầu với 97,8%. Từ ngày 19/4 đến 18/5, OTP trung bình của các hãng là 96,4%, ở mức cao nhất từ trước tới nay (năm 2019 OTP đạt 86,4%)
Sở dĩ OTP thời gian qua cao bởi các hãng chỉ khai thác đường bay nội địa, không khai thác đường bay quốc tế. Vì vậy, số chuyến bay giảm đi rất nhiều so với trước đây. Điều này khiến hạ tầng hàng không không bị áp lực, không có cảnh quá tải cả trên trời lẫn dưới đường băng nên các chuyến bay cất cánh, hạ cánh đúng giờ nhiều hơn.
Mặc dù vậy, tỉ lệ các chuyến bay đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam vẫn ở mức cao so với thế giới. Đặc biệt, tổng số chuyến bay trong năm vẫn tăng 10,2%, đạt mức khai thác hơn 326.000 chuyến, trong đó Vietjet bay hơn 139.000 chuyến, Vietnam Airlines với hơn 119.000 chuyến, Jetstar hơn 35.000 chuyến, Bamboo Airways hơn 20.000 chuyến và VASCO hơn 12.000 chuyến.
Ở thời điểm trước dịch COVID-19, với số lượng chuyến bay lên đến hàng trăm chuyến mỗi ngày, trong khi hạ tầng hàng không không đáp ứng nổi khiến các hãng không tránh khỏi tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến. Hãng bay càng nhiều thì nguy cơ chậm chuyến càng tăng.
|
Hạ tầng ùn tắc đang là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ chậm chuyến tăng cao. |
Hạ tầng là nguyên nhân?
Trên thế giới, khái niệm chậm chuyến (delay) không áp dụng với các hãng hàng không mà chỉ áp dụng đối với các sân bay. Hàng không thế giới xác định rõ ràng nguyên nhân delay là do sân bay và đưa ra các cảnh báo về những “sân bay delay” để hành khách biết, chủ động thời gian trước khi tới sân bay.
Trang FlightStats chuyên về thống kê số liệu hàng không toàn thế giới dành riêng một mục cho các sân bay thường xuyên chậm chuyến. Các sân bay này có điểm chung là đường ra vào trên không ùn tắc do có hàng trăm, hàng nghìn chuyến bay đi đến mỗi ngày; hạ tầng sân bay (nhà ga đường băng, đường lăn, sân đỗ…) chưa đáp ứng kịp nhu cầu của hãng hàng không và khách bay.
Theo xếp hạng cuối năm 2019 của trang Airport Technology, sân bay Manila (Philippines) là sân bay tệ nhất thế giới vào dịp Giáng sinh với hơn 41% số chuyến bay không cất cánh đúng giờ. Tiếp đó là sân bay Chhatrapati Shivaji ở Mumbai (Ấn Độ) với 38% và sân bay quốc tế Frankfurt với 35%.
Tạp chí Forbes công bố bảng xếp hạng 10 sân bay tệ nhất thế giới hồi tháng 1/2020, trong đó các “sân bay delay cá biệt nhất” gồm London Gatwick (Anh), Billy Bishop Toronto City (Canada), Porto (Bồ Đào Nha), Paris Orly (Pháp), Manchester (Anh), Malta (Cộng hòa Malta), Henri Coandă (Romania), Eindhoven (Hà Lan), Kuwait (Kuwait) và Lisbon Portela (Bồ Đào Nha). Tại các sân bay này, số chuyến bay cất cánh không đúng giờ dao động từ 33.8% lên tới hơn 42.2%.
PT