Liên quan đến phát triển du lịch, HĐND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng là Nghị quyết số 35/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 về việc thông qua Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến 2030”; Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 15/4/2022 về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022 - 2030.
Theo báo cáo đánh giá về kết quả giám sát chuyên đề thực hiện các nghị quyết về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, việc triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch được triển khai thực hiện, kết cấu hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch từng bước được chú trọng.
Tổ chức thành công nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tiếp tục công tác đầu tư tôn tạo nhằm phát huy giá trị di tích. Huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh du lịch.
Trong giai đoạn 2018 - 2024, nhiều khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch theo quy định của Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công và các văn bản hiện hành.
Bên cạnh đó, đã tiến hành điều chỉnh và mở rộng quy hoạch phân khu các điểm du lịch có tiềm năng, lợi thế và khả năng khai thác cao, được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Một số khu, điểm du lịch đã hoàn thiện Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2.000 như Khu du lịch sinh thái thác Ba Vòi, huyện Đakrông và Khu du lịch sinh thái Brai-Tà Puồng, huyện Hướng Hóa, Khu du lịch sinh Thái hồ số 7 xã Cam Hiếu, Khe Gió xã Cam Thành, hồ Đá Mài (huyện Cam Lộ).
Đã thực hiện Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Nghị quyết số 35/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và tiếp tục được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặt mục tiêu phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, bao gồm: phát triển không gian du lịch, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, quảng bá du lịch, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong phát triển du lịch, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển du lịch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đối với đề nghị của UBND tỉnh về việc bổ sung dự toán chi bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) mà nhà đầu tư tự nguyện ứng trước, Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND tỉnh cho rằng việc UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất để làm cơ sở hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước là phù hợp và đúng quy định hiện hành. Ban kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh thống nhất bổ sung dự toán chi bồi thường, GPMB do nhà đầu tư tự nguyện ứng trước năm 2024 từ nguồn thu tiền sử dụng đất, với tổng số tiền hơn 70,8 tỉ đồng để làm cơ sở hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước theo quy định.
Kết luận phiên họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, hạn chế.
Quy hoạch phát triển du lịch đến nay đã được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh, tuy nhiên trước đây đa số các quy hoạch vùng, điểm, khu du lịch thiếu tầm nhìn dài hạn, việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến xây dựng kế hoạch đầu tư công và bố trí các nguồn vốn.
Công tác quản lý du lịch trên địa bàn chưa thật sự bài bản và khoa học. Nhận thức của người dân về phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, còn thụ động, chưa nhạy bén trong kinh doanh và phục vụ du lịch nên chưa khai thác hiệu quả du lịch địa phương...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn tiếp tục triển khai công tác hướng dẫn quy trình, thủ tục trong quy hoạch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công nhận các khu, điểm du lịch đảm bảo yêu cầu pháp lý, tránh hiện tượng kinh doanh du lịch tự phát, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư nói riêng và hoạt động du lịch tỉnh nói chung. Tổ chức sơ kết đánh giá tổng thể các dự án về phát triển du lịch trên địa bàn, trong đó thực hiện rà soát đối với dự án không thực hiện để tiến hành thu hồi đất theo quy định. Triển khai hiệu quả các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đã được HĐND tỉnh thông qua để phục vụ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công các công trình di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đối với Thành Cổ Quảng Trị, Đôi bờ Hiền Lương Bến Hải đã được HĐND tỉnh thông qua để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đồng thời sớm xây dựng giải pháp kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy quản lý, điều hành tại các di tích để phát huy hiệu quả sau khi các công trình hoàn thành đi vào sử dụng. Tiếp tục rà soát, đánh giá lại các dự án đầu tư công trong lĩnh vực du lịch nhưng chưa phát huy hiệu quả hoặc thiếu nguồn lực đầu tư để đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch đất đai để thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ, kết hợp giới thiệu kinh doanh các sản phẩm địa phương trên các tuyến Quốc lộ 1, cao tốc Cam Lộ - La Sơn, tuyến đường Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của người dân, du khách đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị. Bố trí kinh phí đảm bảo theo yêu cầu lộ trình Nghị quyết 12/2022/NQ-HĐND về các chính sách phát triển du lịch, Nghị quyết số 167/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh.
Đối với đề xuất của UBND tỉnh về việc bổ sung dự toán chi bồi thường GPMB mà nhà đầu tư tự nguyện ứng trước, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất thông qua.
Thanh Trúc
https://baoquangtri.vn/thuong-truc-hdnd-tinh-khoa-viii-hop-phien-thu-47-thong-nhat-2-noi-dung-quan-trong-191091.htm