Thương mại điện tử và tiếng gọi khẩn thiết mang tên logistics 

(Chinhphu.vn) - Ngành logistics ngày nay đã không còn được hiểu đơn giản là tập hợp các mối liên quan tới cầu - cảng, đường sá, vận tải, giao nhận… Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử và những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khái niệm logicstics dường như đang phát triển rất nhanh, vượt ra ngoài khuôn khổ của những định nghĩa và hệ thống văn bản pháp lý hiện hành.

Cần gấp hành lang pháp lý cho những phát sinh mới

Cùng với hàng trăm doanh nghiệp vận tải làm “hậu cần” cho thương mại thông thường, sự phát triển của thương mại điện tử hiện cũng đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tấp nập tham gia lĩnh vực logistics đặc thù này. Đó là những cái tên như ITL, Kerry Express, Sotrans, Fedex, Giao hàng nhanh…

Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng Giám đốc của trang thương mại điện tử Tiki.vn, có lẽ đã đến lúc hạ tầng logistics cho thương mại điện tử nên được hiểu rộng hơn. Đó không chỉ là các yếu tố kho vận vật lý như kho bãi, cầu - cảng, đường sá… mà còn có cả hạ tầng cho chuỗi phân phối, cho các hình thức thanh toán… Trong khi đây là một cuộc chơi toàn cầu và là xu hướng phát triển thương mại không thể đảo ngược thì dường như các vấn đề pháp lý chi phối cho những loại hình thanh toán này còn chưa thật sự rõ ràng và cụ thể.

“Có lẽ đã đến lúc người làm chính sách cần suy nghĩ cởi mở hơn và nhiều hơn về thực tế này; mở rộng khái niệm về logistics ra; cho những yếu tố logistics liên quan đến thương mại điện tử thực sự có một hành lang pháp lý thống nhất và công bằng, không thể để ai muốn làm gì thì làm, vì có thể sẽ phát sinh những điều không mong muốn”, vị tổng giám đốc Tiki.vn nêu suy nghĩ.

Thực vậy, bà Nguyễn Phương Thảo, Quản lý cấp cao Các dự án Kinh doanh hiệu quả Nielsen Việt Nam cũng cho rằng một trong các yếu tố tác động lớn đến thương mại điện tử Việt Nam tới đây sẽ là công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt. Dự báo đến năm 2020, 30% doanh thu bán lẻ toàn cầu sẽ được thực hiện qua các ứng dụng hoặc phần mềm trên máy tính và các thiết bị di động. Đến năm 2025, nền kinh tế chia sẻ toàn cầu sẽ trị giá 300 tỷ USD.

Những con số này ở Việt Nam còn khiêm tốn nhưng xu hướng người tiêu dùng dịch chuyển dần sang hình thức thanh toán trực tuyến (không dùng tiền mặt), thậm chí thông qua bitcoin hay blockchain đang xuất hiện ngày một nhiều hơn…

Tương tự, ông Phạm Tấn Đạt, Tổng Giám đốc của trang thương mại điện tử Fado.vn nhận xét: Thách thức khá lớn đối với doanh nghiệp Việt khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới là chi phí logistics với những thủ tục hải quan và pháp lý chưa thực sự đồng bộ. “Đơn cử như giá trị hàng hóa tối đa được miễn thuế khi thông quan theo dạng xách tay là 10 triệu, theo dạng quà biếu là 2 triệu đồng, còn đi qua kênh chuyển phát nhanh chỉ là 1 triệu đồng”, ông Đạt bày tỏ sự băn khoăn về sự khác biệt có thể dẫn tới khả năng “lách luật” của những người kinh doanh trực tuyến.

Một hiện tượng mới nữa rất cần được các cơ quan chức năng quan tâm. Đó là sự tham gia của nhiều doanh nghiệp làm logistics vào khâu thanh toán. Uber, Grab, Go-Jek (Indonesia) có thể là những cái tên tiên phong, nhưng trong một vài năm tới, cuộc đua này chắc chắc sẽ thu hút thêm rất nhiều “đại gia”. Những nhà bán lẻ và các hãng công nghệ như Samsung, VNG bằng hình thức này hay hình thức khác cũng đã “lấn sân” làm cả dịch vụ tài chính cho thương mại điện tử…

Thêm một thực tế khác đã phát sinh cùng với sự tăng tốc của thương mại điện tử những năm gần đây. Đó là sự gia nhập của các nhà kinh doanh dịch vụ taxi (chở người) vào thị trường vận tải hàng hóa.

Bất cập ở chỗ trong khi các hãng vận tải hàng hóa đều phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh với nhiều loại giấy phép khác nhau; hàng chuyển chở trên đường cũng phải có chứng từ đầy đủ, xe tải lưu thông phải theo giờ giấc và lộ trình nhất định, thì các dịch vụ vận tải hàng hóa kết hợp vận tải hành khách bằng xe máy hiện nay gần như nở rộ “tự phát”. Điều gì sẽ tác động đến hạ tầng giao thông và công tác quản lý thị trường, thương mại, trật tự xã hội… khi hàng hóa từ cả nghìn xe tải lớn được chia ra cho cả triệu xe máy nhỏ?

Khan hiếm kho bãi, thương mại điện tử khó “cất cánh”

Không chỉ có các doanh nghiệp mua bán thông thường, một trong những thách thức logistics cực lớn với các nhà bán lẻ trực tuyến hiện nay là kho bãi. Nhiều doanh nghiệp có thể và rất muốn đầu tư, mở rộng kho bãi sao cho chuyên dụng, hiện đại, bài bản, đủ sức chứa và bảo đảm được chất lượng hàng hóa.

Thế nhưng tại các đô thị, hiện rất khó để doanh nghiệp có thể tìm được những vị trí phù hợp để xây dựng các kho bãi đủ chuẩn như vậy. Những kho đang ở vị trí tốt thì không đủ lớn hoặc hạ tầng chưa ổn. Có lẽ trong quy hoạch đất đai dài hạn cho ngành bán lẻ, rất cần có phần quy hoạch thích đáng về kho bãi và trung tâm logistics phục vụ cho tăng trưởng của thương mại điện tử.

“Tôi tin là trong một hai năm tới chúng ta sẽ cực kỳ căng thẳng về kho bãi cho hàng hóa. Đó là thách thức mà Mỹ, Anh, Trung Quốc đều đang đối mặt khi thương mại điện tử phát triển mạnh. Thương mại điện tử của Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế phát triển với những nhu cầu logistics tương tự như thế”, vị Tổng giám đốc Tiki.vn dự báo và cho hay “hiện nay tìm kho đã rất khó rồi, không phải giành nhau cái kho tốt, mà kể cả kho không tốt mấy cũng phải giành”.

Không khó để nhận ra trong khi thu nhập bình quân đầu người TPHCM đang cao gấp mấy lần các địa phương khó khăn, nhưng người dân tại các khu vực ấy lại đang phải trả chi phí cao hơn cho rất nhiều hàng hóa cùng chủng loại chỉ bởi “cái gì đưa về đó cũng xa hơn, lâu hơn, tốn kém chi phí vận tải hơn, không có kho bãi sẵn sàng…”. “Chúng tôi rất muốn phát triển về vùng sâu, vùng xa nhưng đành chịu, chấp nhận bỏ thị trường vì những hạn chế hạ tầng khách quan này”, người đại diện Tiki trải lòng trước rào cản hạ tầng vượt quá khả năng tự đầu tư của các doanh nghiệp thương mại điện tử.

Phương Hiền
434 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 848
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 848
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77244244