Thương mại điện tử của Việt Nam sẽ phát triển mạnh 

(ĐCSVN) - Chương trình thương mại điện tử bứt phá toàn cầu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, đồng thời trang bị kỹ năng bán hàng hiệu quả trên nền tảng thương mại điện tử toàn cầu; từ đó, có thể đưa được sản phẩm của mình tiếp cận thị trường tiềm năng, kể cả những thị trường chưa được khai thác.

 

 Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam “Tinh hoa châu Á, Bứt phá toàn cầu” .

Đó là thông tin đưa ra tại buổi họp báo bên lề Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam “Tinh hoa châu Á, Bứt phá toàn cầu” diễn ra ngày 7/6 tại Hà Nội. Hội nghị do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cùng Amazon Global Selling (Amazon) phối hợp tổ chức với chuỗi hoạt động gồm: Hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm cập nhật các thông tin mới nhất về ngành thương mại điện tử; Ngày kết nối các nhà cung cấp dịch vụ với 14 nhà cung cấp dịch vụ trong ngành đến từ nhiều danh mục dịch vụ khác nhau; Giới thiệu nhà bán hàng thành công của Amazon từ các nước trong khu vực như: Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu hướng bùng nổ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử bán lẻ trên 20%/năm, đây là ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo bà Lại Việt Anh, hơn 1 năm gần đây, khó khăn của nền kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động của doanh nghiệp cũng như tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam. 4 tháng năm 2023, mặc dù vẫn xuất siêu 6 tỷ USD nhưng kim ngạch xuất khẩu của cả nước giảm khoảng 1,8% so với cùng kỳ. Những thách thức này đặt doanh nghiệp vào tình thế buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh để duy trì sản xuất, xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Xét ở góc độ thương mại điện tử, bên cạnh xu hướng thương mại điện tử trên di động, mạng xã hội, thì thương mại điện tử xuyên biên giới rất nổi bật. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới tăng hơn 2 lần so với thương mại điện tử nói chung.

 Hội nghị thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.

Cũng theo lãnh đạo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, dù đã tiếp cận với thương mại điện tử xuyên biên giới song doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn gặp nhiều rào cản. Đầu tiên là quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu; năng lực của nhân lực trong phát triển sản phẩm và năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong bối cảnh thị trường toàn cầu. Cùng với đó là rào cản về chi phí và thông tin. “Những rào cản này là chung cho hoạt động xuất nhập khẩu chứ không chỉ riêng cho xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử”, bà Lại Việt Anh lưu ý.

Nhận thức được khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Công Thương, cụ thể là Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, đã phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử, trong đó có Amazon, thực hiện Chương trình thương mại điện tử bứt phá toàn cầu. Hoạt động này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, đồng thời trang bị kỹ năng bán hàng hiệu quả trên nền tảng thương mại điện tử toàn cầu; từ đó, có thể đưa được sản phẩm của mình tiếp cận thị trường tiềm năng, kể cả những thị trường chưa được khai thác.

Chia sẻ tại buổi họp báo bên lề Hội nghị, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cũng cho biết, năm 2022, giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam đạt trên 80.000 tỷ đồng. Nếu doanh nghiệp Việt Nam nhận được sự hỗ trợ toàn diện hơn, ứng dụng thương mại điện tử vào xuất khẩu, trong 5 năm tới, con số này có thể đạt 300.000 tỷ đồng. Riêng với Amazon, năm 2022, số doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng tăng 80% so với cùng kỳ, kim ngạch tăng 45%.

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam.

Thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Đầu tiên là giúp doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt được thông tin của khách hàng, cải tiến sản phẩm đáp ứng nhu cầu nhanh hơn. Thứ hai, chuyển đổi số và toàn cầu hóa cùng cộng hưởng, không chỉ giúp toàn cầu hoá sản phẩm mà còn toàn cầu hoá thương hiệu sản phẩm.

“Amazon khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi tư duy, không chỉ gia công mà còn xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm và kinh doanh bền vững hơn trên thị trường thế giới”, ông Gijae Seong thông tin.

Amazon đặt ra và nỗ lực thực hiện 5 mục tiêu nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trong đẩy nhanh ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, gồm: Tăng nhận thức về thương mại điện tử xuyên biên giới; đào tạo cho doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới; xây dựng thương hiệu toàn cầu cho Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ hậu cần của Amazon, và cuối cùng là kết nối cộng đồng nhà bán hàng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đại diện Amazon cũng cho hay, Việt Nam đang ở giai đoạn mới trong quá trình chuyển từ xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu online, do vậy vẫn còn nhiều khoảng hở về chính sách cần khắc phục. Amazon cũng đang tích cực tham chiếu môi trường kinh doanh của các quốc gia có thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển, lắng nghe ý kiến của các nhà bán hàng tại Việt Nam và truyền tải tới các cơ quan Chính phủ của Việt Nam để nghiên cứu và xây dựng chính sách cho thương mại điện tử phù hợp và hoàn thiện, từ đó tạo thuận lợi và thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.

 
Tin, ảnh: K.D
453 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1369
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1369
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87169212