|
Toàn cảnh phiên họp. VGP/ Lê Sơn |
Trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung cho biết, Công ước số 98 đã được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông qua năm 1949, tính đến nay đã có 165 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này. Công ước 98 có ba nội dung cơ bản gồm: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cho biết, Công ước 98 được gia nhập với danh nghĩa Nhà nước, việc gia nhập và thực hiện Công ước 98 đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 nên theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc gia nhập Công ước này. Công ước sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam sau 12 tháng kể từ khi văn kiện gia nhập của nước ta được đăng ký với Tổng giám đốc Văn phòng ILO. Công ước này có hiệu lực vô thời hạn, tuy nhiên sau khi gia nhập Việt Nam có thể rút khỏi Công ước khi kết thúc thời hạn 10 năm kể từ ngày Công ước có hiệu lực, bằng cách thông báo cáo với Tổng giám đốc Văn phòng ILO để đăng ký việc rút khỏi Công ước. “Công ước 98 được áp dụng trên toàn lãnh thổ nước ta, song việc áp dụng Công ước cho lực lượng vũ trang và công chức sẽ do pháp luật Việt Nam quy định”, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước nói.
Theo Tờ trình, đối tượng hưởng lợi chủ yếu của Công ước 98 là người lao động sẽ được hưởng về tiền lương và điều kiện lao động tốt hơn thông qua thương lượng tập thể được thực hiện một cách thực chất và hiệu quả. Người sử dụng lao động cũng được hưởng lợi do thương lượng tập thể thực chất góp phần đưa ra những giải pháp ổn định và phát triển lực lượng lao động có chất lượng; tăng năng suất lao động; hạn chế, phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Đối với Nhà nước và xã hội, Tờ trình nêu rõ, việc thương lượng tập thể thực chất sẽ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, từ đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Tờ trình của Chủ tịch nước, khi tham gia Công ước số 98, nước ta sẽ phải hoàn thiện pháp luật và có những biện pháp phù hợp, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu đề ra về chống phân biệt đối xử, chống can thiệp thao túng đối với công đoàn, cũng như thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện một cách hiệu quả và thực chất. Sau khi gia nhập Công ước, Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ báo cáo định kỳ (3 năm một lần) hoặc báo cáo đột xuất về các biện pháp đã tiến hành để tạo hiệu lực cho các điều khoản của Công ước theo quy định tại Điều 22 Điều lệ của ILO.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Đối ngoại tán thành với Tờ trình của Chủ tịch nước và Báo cáo thuyết minh của Chính phủ. Ủy ban Đối ngoại nhận thấy, Công ước số 98 không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013. Nội dung Công ước số 98 cơ bản phù hợp pháp luật Việt Nam. Nhưng Công ước số 98 không có quy định liên quan đến vấn đề bảo lưu, nếu Việt Nam gia nhập Công ước thì phải chấp nhận toàn bộ nội dung của Công ước. Trong khi đó, theo Tờ trình của Chủ tịch nước và Báo cáo thuyết minh của Chính phủ, nội dung Công ước số 98 liên quan đến các điều luật của Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Công đoàn năm 2012, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Giải trình về một số vấn đề có liên quan, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, trong số các quốc gia đã phê chuẩn Công ước số 98 thì cũng có 35 quốc gia chưa phê chuẩn Công ước số 87 của ILO. “Đối với Việt Nam, kể cả chưa phê chuẩn Công ước số 87 vẫn phải thực hiện bảo vệ đoàn viên công đoàn, có các hành vi tránh sự can thiệp, thao túng của giới chủ đến tổ chức công đoàn… Sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước số 98 không có nghĩa sẽ phải thực hiện ngay việc thành lập các tổ chức bên cạnh tổ chức công đoàn”, ông Diệp nói.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nêu rõ, việc thành lập các tổ chức bên cạnh tổ chức công đoàn chỉ được phép sau khi dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và các dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung được ban hành.
Lê Sơn