Ba lý do chính PGS.TS Vũ Minh Khương đưa ra là: Thứ nhất, nó là thông điệp chiến lược chứng tỏ lãnh đạo hai bên thực sự cam kết tạo ra bước ngoặt trong cải thiện quan hệ Mỹ - Triều; thứ hai, đó cho thấy, Việt Nam là một mô hình tốt để cả Triều tiên và Mỹ tham khảo trong nỗ lực biến thù cũ thành đồng minh chiến lược; và cuối cùng, nó mở ra khả năng Triều Tiên có thể tham khảo kinh nghiệm của Việt Nam cho quá trình hòa nhập vào cộng đồng quốc tế và cải cách kinh tế.
Những nhận định của PGS.TS Vũ Minh Khương lúc đó từng gây ra nhiều phản ứng trái chiều, và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất cũng đã diễn ra tại Singapore vào tháng 6/2018. Tuy nhiên, tám tháng sau, Hà Nội, Việt Nam giờ đây đứng trước cơ hội làm nên lịch sử khi được chọn làm địa điểm tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai.
Trả lời phỏng vấn báo điện tử Tổ quốc, PGS.TS Vũ Minh Khương nêu ý kiến của ông về những cơ hội của Việt Nam khi được chọn làm nước chủ nhà cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này.
Ông có thể cho biết những thay đổi về vị thế và kinh tế mà Việt Nam có thể kỳ vọng đạt được với việc trở thành nước chủ nhà của Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai?
PGS.TS Vũ Minh Khương: Với việc được chọn là nước chủ nhà cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, Việt Nam đứng trước khả năng tạo nên bước tiến vượt bậc trên ba phương diện.
Thứ nhất, vị thế và hình ảnh Việt Nam được nâng cao rõ rệt trên trường quốc tế. Nó thể hiện không chỉ ở năng lực tổ chức các sự kiện ở đẳng cấp cao nhất mà cả ở giá trị chiến lược mà Việt Nam, bằng lịch sử bi hùng của mình, có thể đóng góp làm thế giới tốt đẹp hơn.
Thứ hai, với thương hiệu Việt Nam nổi lên qua sự kiện lịch sử và đầy nhân văn này, Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành một nơi lựa chọn đặc sắc mà khách du lịch và nhà đầu tư quốc tế quan tâm.
Thứ ba, tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh này sẽ thôi thúc Việt Nam cải cách mạnh mẽ hơn nữa để thực sự là tấm gương không chỉ ở vượt lên quá khứ mà cả ở kiến tạo tương lai.
Với một loạt sự kiện mang tầm cỡ thế giới đã diễn ra tại Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2018, theo ông Việt Nam có thể hướng tới xây dựng thương hiệu như một điểm đến thích hợp cho việc tổ chức các hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội mang tầm cỡ quốc tế, hay không? Và đâu sẽ là cơ hội và lợi thế của Việt Nam nếu làm vậy?
PGS.TS Vũ Minh Khương: Đúng vậy. Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn để việc tổ chức các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến đổi thay và phát triển. Để thành công trong khai thác tiềm năng này, Việt Nam cần lưu ý mấy vấn đề lớn sau.
Thứ nhất, phải coi đây là một nỗ lực phát triển, nâng tầm vóc và vị thế đất nước, chứ không chỉ là nhằm thu hút du lịch. Làm sao để mọi người dân đều thấy cảm kích và có trách nhiệm với từng bước đi lên của đất nước mình.
Thứ hai, cần có chiến lược rõ ràng: xác định rõ mục tiêu, biết rõ hiện giờ mình đang ở đâu và đâu là trở ngại chính mình cần phải vượt qua để đi đến đích mong muốn.
Thứ ba, cần tạo ra một nền tương tác đề mọi cá nhân và tổ chức đều có thể tham gia đóng góp và không ngừng học hỏi vươn lên trong nỗ lực này.
Cảm ơn PGS.TS Vũ Minh Khương!