Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc hội thảo cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho phóng viên báo, đài Trung ương và địa phương tại TP.Hồ Chí Minh do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào ngày 19/4.
Hộ nghèo tại Việt Nam chi cho thuốc lá gấp 1,5 lần cho giáo dục
Theo thông tin tại Hội thảo, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ cao nhất về hút thuốc lá ở nam giới (chiếm 45,3 % theo thống kê năm 2015) và phơi nhiễm với hút thuốc lá thụ động ở môi trường trong nhà.
Điều đáng nói là nạn dịch thuốc lá tác động lên người nghèo nhiều hơn người giàu. Theo BS Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc HealthBridge Canada, trên thế giới những người nghèo và những người nghèo nhất có xu hướng tiêu thụ thuốc lá nhiều nhất. Tại hầu hết các quốc gia trong đó có Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc ở những người có học vấn thấp và có thu nhập thấp luôn cao hơn nhóm người có thu nhập và học vấn cao hơn.
Việc sử dụng thuốc lá tác động tới kinh tế quốc gia (chi phí y tế cao, mất năng suất lao động, mất ngoại tệ do nhập khẩu nguyên liệu và thuốc lá, suy thoái môi trường…) và kinh tế hộ gia đình. Tiền chi cho thuốc lá đã không được chi cho thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khỏe với con số thống kê đối với những người hút thuốc thuộc diện hộ nghèo tại Việt Nam chi cho thuốc lá gấp 1,5 lần cho giáo dục.
BS Hoàng Anh cũng đưa ra những con số đáng suy ngẫm khi chi mua thuốc lá của người dân Việt Nam trong năm 2015 là 31.000 tỷ đồng, bằng mua 2,4 triệu tấn gạo đủ nuôi 14,3 triệu người trong một năm; tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh trên tổng số 25 nhóm bệnh do thuốc lá là 24.000 tỷ đồng, bằng 1% GDP.
Hội thảo nhận được sự tham gia sôi nổi của các đại biểu là các phóng viên cơ quan báo, đài.
Phân tích về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, thành phần của khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu liên quan tới các bệnh phổi, tim mạch… Đặc biệt, nó không chỉ gây tác hại đối với người hút mà còn ảnh hưởng cả tới những người xung quanh (hút thuốc thụ động). Trên thế giới, mỗi năm có tới 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động, trong đó 64% số ca tử vong này là nữ giới.
Tăng thuế là biện pháp hiệu quả
Tại Hội thảo các diễn giả cho rằng, tăng thuế thuốc lá đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để giảm sử dụng thuốc lá, đặc biệt là ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc. Không chỉ bảo vệ sức khỏe, tăng thuế thuốc lá còn giúp tăng nguồn thu từ thuế thuốc lá cho ngân sách chính phủ. BS Hoàng Anh cho rằng, việc tăng thuế thuốc lá được coi là biện pháp ích lợi đôi đường.
Theo tổng kết của Tổ chức Y tế thế giới, từ kinh nghiệm của các quốc gia, trung bình khi giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao, 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Tại Việt Nam, tăng thuế thuốc lá là một trong những giải pháp chính trong Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới xuống còn 39%. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là thu thuế bao nhiêu thì hợp lý và cách thu thuế theo tỷ lệ phần trăm hay thuế tuyệt đối?
Ở Việt Nam hiện nay đang áp dụng loại hình thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ phần trăm tính trên giá xuất xưởng. Phương thức thu thuế này có một số nhược điểm như: khó xác định được chính xác giá của sản phẩm từ đó gây ra các thách thức trong việc xác định giá tính thuế và tạo kẽ hở cho việc chuyển giá của nhà sản xuất; tăng khoảng cách về giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá, do đó người tiêu dùng dễ chuyển sang các sản phẩm giá rẻ hơn nên khó giảm tỷ lệ hút thuốc; điều này cũng sẽ khuyến khích sản xuất thuốc lá rẻ, làm tăng khả năng tiếp cận và sử dụng thuốc lá của thanh thiếu niên…
Bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho rằng, chúng ta cần áp dụng thuế tuyệt đối (thuế thu một khoản tiền thuế cố định trên mỗi đơn vị của sản phẩm như bao thuốc, theo điếu…). Cách tính này cũng rất dễ dàng trong việc quản lý và dễ dự đoán về mức thu ngân sách từ thuế.
Theo Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, từ ngày 1/1/2020 áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 1.000 đồng/bao thuốc 20 điếu, 15.000 đồng/điếu xì gà. Theo tính toán của các chuyên gia của tổ chức Y tế thế giới, với phương án tăng thuế như trên thì năm 2020 tỷ lệ hút thuốc của nam giới sẽ giảm được khoảng 1,5% so với tỷ lệ hiện tại là 45,3%.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, thuốc lá có rất nhiều tác hại, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng do đó cần phải đánh thuế cao hơn mới mong giảm được số người sử dụng thuốc lá. Bên cạnh đó, hiện nay mức thuế và giá thuốc ở Việt nam còn rất thấp (thuế tính giá xuất xưởng chứ không phải tính trên giá bán lẻ) vì vậy cũng nên cân nhắc một mức thuế cao hơn.
BS Hoàng Anh cho biết, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới hiện nay, một số quốc gia đã tính thuế thuốc lá lên đến 70% giá bán lẻ hoặc cao hơn thế, trong khi của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng trên 30%. Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 2.000 đồng hoặc mức tối ưu 5.000/bao thuốc vào năm 2020.
Nếu Việt Nam bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối với thuốc lá ở mức 2.000 đồng/bao thì ước tính thu thuế của Chính phủ sẽ tăng thêm 6.300 tỷ đồng mỗi năm. Quan trọng hơn, số người hút thuốc sẽ giảm được khoảng gần 600.000 người và sẽ tránh được khoảng 300.000 ca tử vong sớm trong tương lai. Còn nếu thu thuế tuyệt đối ở mức 5.000 đồng/bao thì tỷ lệ hút thuốc sẽ giảm 6,5%, sẽ giúp 1,8 triệu người bỏ thuốc và thu thuế của Chính phủ ước tăng thêm khoảng 10.700 tỷ đồng mỗi năm./.
Tin, ảnh: Vương Lê