|
Trung bình mỗi năm thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng. (Ảnh: P.V)
|
Mới đây, Tổng cục Thuế công bố, hiện số thu từ hoạt động thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân (Facebook, YouTube, Google…) trong nước năm 2016 là 46,86 tỷ đồng. Năm 2019, con số này đã lên tới 1.010 tỷ đồng và năm 2020 là 1.143 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng là 519 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 624 tỷ đồng).
Đáng chú ý, tại Cục Thuế thành phố Hà Nội, tính đến tháng 12/2020, hệ thống dữ liệu của ngành Thuế đã quản lý thu của các cá nhân có hoạt động từ Google, Facebook, YouTube… với tổng doanh thu của các cá nhân nhận được là 2.200 tỷ đồng. Đến nay, đã có 333 cá nhân đã nộp thuế, với số thuế đã nộp là 148 tỷ đồng, trong đó có cá nhân doanh thu hơn 330 tỷ đồng đã nộp số thuế 23 tỷ đồng.
Tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh, để quản lý và thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên các trang web, Facebook… Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện rà soát 14.951 trang web. Từ đó, xác định 1.092 chủ trang web thuộc đối tượng chịu thuế. Trong quá trình làm việc đã có 56 cá nhân tự giác kê khai với số thuế khai bổ sung và tiền chậm nộp là 1,83 tỷ đồng. Có thể thấy dư địa nguồn thu từ thương mại điện tử rất lớn.
Tuy nhiên, nhiều năm qua do công cụ chính sách của ngành Thuế chưa thực sự hữu hiệu và theo kịp diễn tiến trong tình hình mới nên cơ quan thuế rất khó kiểm soát lĩnh vực này.
Còn theo thông tin từ Bộ Thông tin - Truyền thông, ở Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền. Tuy nhiên, chỉ 30% trong tổng số trên, tương đương khoảng 5.000 kênh, chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam, có kê khai và nộp thuế đầy đủ. Với mức thu hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm có thể thấy còn quá là quá “ít ỏi” so quy mô của thị trường quảng cáo Việt Nam hiện nay.
Cơ quan thuế cho biết, đã xử lý qua kiểm tra đối với 580 doanh nghiệp và cá nhân với tổng số thuế truy thu, phạt và tiền chậm nộp là 18,5 tỷ đồng. Trong đó, nhiều trường hợp cá nhân có thu nhập rất lớn từ kinh doanh qua mạng hoặc phát sinh doanh thu từ YouTube cá nhân nhưng không kê khai thuế. Cục Thuế TP Hồ Chí Minh vừa phát hiện và truy thu thuế của một cá nhân kênh YouTube có thu nhập lên 19 tỷ đồng từ năm 2016 - 2018; một trường hợp khác nhận thu nhập 41 tỷ đồng từ Google, Facebook, YouTube chỉ trong 2 năm 2016 – 2017; hay một cá nhân ở tỉnh Quảng Nam thu nhập 17 tỷ đồng…
Gần đây nhất, khi xảy ra vụ “lùm xùm” liên quan đến YouTuber Thơ Nguyễn (Nguyễn Thị Hồng Thơ) vấp phải sự phản ứng từ dư luận khi đăng tải 2 clip có nội dung về búp bê giống Kumanthong lên mạng xã hội TikTok, mọi người mới nhìn rõ hơn về tổng thể thông tin kênh YouTuber Thơ Nguyễn.
Hiện Thơ Nguyễn đang sở hữu kênh YouTube có tới hơn 8,7 triệu lượt đăng ký theo dõi, nhiều nội dung hướng đến đối tượng là trẻ em. Theo trang Social Blade (website theo dõi, thống kê và phân tích các trang mạng xã hội), kênh của Thơ Nguyễn thu về hơn 1,7 tỷ lượt xem trong năm 2020, trung bình khoảng 144 triệu lượt xem/tháng. Qua đó, doanh thu tương đương 16 tỷ đồng/năm.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, với trường hợp YouTuber Thơ Nguyễn đã có kết quả ban đầu về rà soát, kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế của YouTuber này. Theo đó, trong các năm 2019, 2020 và 2021, Nguyễn Thị Hồng Thơ (YouTuber Thơ Nguyễn) đã kê khai, nộp thuế, với số tiền khoảng 2 tỷ đồng. Cơ quan thuế sẽ tiếp tục xác minh, rà soát việc chấp hành thuế của YouTuber Thơ Nguyễn để có kết luận cuối cùng.
Trước những đòi hỏi của thực tiễn, hiện Bộ Tài chính đang dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và nghị định liên quan. Trong đó, nội dung đáng chú ý là quản lý thuế đối với các “ông lớn”, trong đó có YouTube, đang cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, với mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, YouTube, Facebook, cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế đối với thu nhập phát sinh từ hoạt động này thông qua các đối tác hoặc đại lý quảng cáo của các công ty này hoặc các doanh nghiệp mua dịch vụ trực tiếp của các công ty này tại Việt Nam. Cụ thể, hiện các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo với các tổ chức nước ngoài thì thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho các nhà thầu, tổ chức nước ngoài. Đối với số thuế đã kê khai nộp thay, các doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo quy định của pháp luật nếu người nộp thuế khai sai khi cơ quan thuế phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, cũng như tính tiền chậm nộp. Trường hợp người nộp thuế cố tình trốn thuế, theo quy định của pháp luật hiện hành có thể bị xử phạt từ 1-3 lần. Trường hợp nặng hơn, cơ quan thuế sẽ chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trước nguồn “siêu lợi nhuận” từ các hoạt động thương mại điện tử nhiều tổ chức, cá nhân luôn tìm cách để trốn tránh kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước.
Tổng cục Thuế cũng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân có nguồn thu từ thương mại điện tử và mọi thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam thực hiện kê khai và nộp thuế. Trong trường hợp cần thiết, Tổng cục sẽ có nhiều biện pháp thực hiện chống thất thu thuế.
Google, cơ quan chủ quản của YouTube, cũng vừa thông báo sẽ khấu trừ và đánh thuế thu nhập cho những nhà sáng tạo nội dung trên YouTube (YouTuber) không sống tại Mỹ. Chính sách mới sẽ bắt đầu sớm nhất là vào tháng 6/2021. Google kêu gọi các YouTuber cung cấp thông tin thuế với Google để đảm bảo mức đóng thuế phù hợp.
Điều này đồng nghĩa với việc các YouTuber tại Việt Nam sẽ phải đóng thuế cho thu nhập của mình kiếm được từ YouTube, mạng xã hội... tạo sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định pháp quy hiện hành tại Viêt Nam, tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước. Các cơ quan chức năng cũng sẽ có thêm những căn cứ pháp lý để quản lý các hoạt động trên các mạng xã hội như: Facebook, YouTube, Google… một cách hữu hiệu hơn trong môi trường số hóa.
Và qua đó, các cá nhân tham gia, thu lợi từ mạng xã hội cũng phải nghiêm túc hơn trong việc thực hiện trách nhiệm của mình với những sản phẩm do họ tạo ra, có trách nhiệm với cả những tác động tiêu cực tới xã hội và người khác từ các sản phẩm đó./.